Trong thời đại thông tin di động, não bộ của chúng ta dường như không bao giờ bận rộn với đủ mọi hoạt động.

Các con số thống kê chỉ ra rằng, cứ 6 người lao động lại có 1 người gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần do yêu cầu đầy áp lực từ cuộc sống và do đó, họ luôn phải gồng mình để đảm bảo có thể thể hiện tốt trong công việc.

Dân công sở là đối tượng rất hay bị stress. (Ảnh minh họa)

Nhưng làm cách nào người lao động nói chung và nhân viên công sở nói riêng có thể cải thiện sức khỏe tâm thần của mình và thăng hoa chứ không chỉ đơn giản là sống sót tại nơi làm việc?

Theo chuyên gia thần kinh học và sức khỏe nhận thức Keiron Sparrowhawk, cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong các nghiên cứu khoa học cũng như điều khoản để hỗ trợ người lao động.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, có một số thói quen về lối sống mà chúng ta hoàn toàn có thể thực hành để đẩy lùi stress, tốt cho não bộ, đảm bảo sức khỏe tâm thần. Ngay cả một thứ đơn giản như vòng tay ôm từ người thân yêu cũng có thể tạo ra điều kỳ diệu cho nhận thức của chúng ta.

Keiron Sparrowhawk giải thích: "Mọi công sở cần nhận biết sức khỏe trí não của nhân viên - sức khỏe trí não yếu kém đồng nghĩa với sức khỏe tâm thần yếu kém. Có một số việc đơn giản mà chúng ta có thể áp dụng hằng ngày nhằm cải thiện tâm trạng và đảm bảo nhân viên thuộc mọi cấp đều có thể phát triển, thay vì chỉ gắng gượng sống sót nơi công sở. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nhấn mạnh rằng, sức khỏe nhận thức tốt có vai trò thiết yếu trong thành công kinh doanh. Tuy nhiên, nuôi dưỡng sức khỏe trí não tại nơi làm việc vẫn bị coi nhẹ quá thường xuyên nếu không muốn nói là khỏe mạnh về nhận thức cũng quan trọng chẳng kém khỏe mạnh về thể chất".

Những thói quen đơn giản nhưng sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ cho một bộ não khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)

1. Sắp xếp gọn gàng

Loại bỏ sự lộn xộn, nhếch nhác trong không gian sống ở nhà và không gian làm việc nơi công sở càng triệt để bao nhiêu càng tốt. Sự sáng rõ của suy nghĩ chắc chắn giúp tăng cường năng suất lao động. Một bàn làm việc bừa bộn, những cuốn sổ ghi lịch làm việc bị thất lạc, kế hoạch làm việc không thường xuyên được điều chỉnh, sắp xếp… tất cả đều góp phần gây stress cho bạn. Hãy bắt đầu từ nơi làm việc của mình – bàn gọn gàng, tâm trí gọn gàng!

2. Theo dõi lượng đường huyết của bạn

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người bị tiểu đường phải hứng chịu sự suy giảm nhận thức lớn hơn so với người không bị bệnh này. Đừng bỏ lỡ bữa sáng hay bất cứ bữa nào khác. Hãy tích trữ những món ăn vặt tốt cho sức khỏe và tránh caffeine.

3. Cẩn trọng với sự mất cân bằng hormone

Phụ nữ có thể mắc các chứng bệnh về trí nhớ khi hàm lượng estrogen của họ giảm sút. Ở nam giới, tình trạng tương tự sẽ xảy ra với lượng testosterone thấp. Sự mất cân bằng tuyến giáp cũng có thể gây ra tình trạng hay quên và suy nghĩ chậm chạp.

4. Duy trì các sở thích tốt

Hãy làm sống lại một sở thích bạn từng mê đắm hay một niềm hứng thú trước đây. Nghiên cứu cho thấy, não bộ sẽ hưởng lợi từ những thay đổi và sự đa dạng. Đảm bảo rằng bạn thường xuyên tìm kiếm cơ hội để tránh xa các thiết bị công nghệ và làm việc gì đó sáng tạo hoặc cực kỳ khác biệt so với công việc thường ngày.

Sở thích cá nhân khuyến khích sự sáng tạo là cách nuôi dưỡng trí não phát triển. (Ảnh minh họa)

5. Kiểm tra các loại thuốc đang dùng

Rất nhiều thuốc kê đơn và thuốc mua tại tiệm có thể ảnh hưởng tới trí nhớ của bạn. Thuốc cảm, thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm nằm trong số đó. Bạn nên thường xuyên kiểm tra tác dụng phụ của những loại thuốc mình dùng.

6. Trò chuyện

Hãy ý thức về những khó khăn trong cảm xúc của mình. Chúng có thể đặt gánh nặng lên não bộ theo cách tiêu cực chẳng khác gì các vấn đề về sức khỏe thể chất. Tình trạng trì trệ của tâm thần và hay quên là triệu chứng phổ biến của trầm cảm. Hãy nói chuyện với một đồng nghiệp hiểu biết, một người bạn, một chuyên gia về cảm xúc của bạn. Bước đầu tiên này sẽ giúp tạo ra hiệu quả giảm stress đáng kể.

Thường xuyên trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè, chuyên gia tư vấn tâm lý cũng là giải pháp giúp giảm stress. (Ảnh minh họa)

7. Tổ chức các cuộc họp nhanh

Quá nhiều thời gian lãng phí do những cuộc họp kéo dài lê thê nơi công sở. Hãy ban hành giới hạn về thời gian họp xuống còn 30 phút là nhiều nhất. Khi đó, não bộ mới được duy trì trong trạng thái tỉnh táo và sẵn sàng cho nhiệm vụ tiếp theo.

8. Thường xuyên - chứ không phải thi thoảng - tập thể dục thể thao

Tận dụng giờ nghỉ trưa để hít thở chút không khí trong lành. Đi bộ là một trong những bài tập tim mạch tốt nhất và hoàn toàn thực tế bởi ai cũng có thể dành thời gian để đi bộ ngoài trời vào một lúc nào đó.

Vì tính chất công việc nên dân văn phòng không vận động nhiều. (Ảnh minh họa)

9. Tận hưởng ánh mặt trời

Chỉ cần bước ra ngoài trời, đi giữa không khí trong lành, mát rượi là bạn đã mang lại lợi ích cho não bộ của mình. Không những thế, bạn còn hấp thụ được lượng vitamin D từ ánh sáng tự nhiên - một chất kích thích tuyệt vời dành cho não.

10. Chăm chút cho tình yêu và tình bạn

Đừng bao giờ bỏ bê các mối quan hệ cá nhân. Dành thời gian cho người thân, bạn bè là việc thiết yếu bạn nên làm nhằm cân bằng lại tình trạng quá tải của não. Một cái ôm cũng rất tốt – nó giúp tăng cường serotonin – hormone vui vẻ, hạnh phúc.

Theo Trí thức trẻ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top