Đây là thông tin được Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25 đến 31/5, với chủ đề: ‘Sử dụng thuốc lá – mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia” do bộ Y tế tổ chức ngày 28/5.
Trong bài phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với những gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, tại Việt Nam công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đang được Quốc hội, Chính phủ quan tâm thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ khi phê chuẩn Công ước Khung, ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Thời gian qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỉ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỉ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12 – 15%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả điều tra do tổng cục Thống kê phối hợp với tổ chức Y tế thế giới cho thấy, so với năm 2010, tỉ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỉ lệ hút thuốc điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.
TS Lokky Wai - Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những thuận lợi và các kết quả đạt được, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng vẫn gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá lá sản phẩm gây nghiện, tỉ lệ sử dụng thuốc lá vẫn còn cao. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác... đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỉ lệ hút thuốc tại nước ta.
Do đó, tại lễ mít tinh, cùng với việc kêu gọi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá, đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chuyển tới cộng đồng một thông điệp, đó là người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ không nên hút thuốc lá. Nếu đã lỡ nghiện thuốc lá thì nên bỏ để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình và những người xung quanh.
Các đại biểu cùng các người nổi tiếng: MC Phan Anh, diễn viên Nabi Nhã Phương cùng tham gia truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá đến cộng đồng. |
“Tôi cũng mong rằng mọi người thực hiện nghiêm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Công tác thanh, kiểm tra xử phạt những vi phạm về thuốc lá ở nước ta phải được thực hiện nghiêm. Có như vậy mới có thể phòng chống có hiệu quả tác hại của thuốc lá, giảm tỉ lệ tử vong từ các bệnh do tác hại của thuốc lá gây ra…”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại lễ mít tinh, TS Lokky Wai – Trưởng đại diện văn phòng tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, thuốc lá giết chết hơn 7 triệu người mỗi năm, và 80% những người này sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Các nước đang phát triển phải gánh chịu 40% tổn thất kinh tế toàn cầu do sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra chiếm 1% GDP mỗi năm.
Các đại biểu cùng đạp xe truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá. |
Đánh giá cao những hoạt động mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phòng chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên, ông Lokky Wai cũng cho rằng, các kết quả trong phòng chống tác hại thuốc lá có thể được cải thiện hơn rất nhiều bằng cách tăng đáng kể thuế thuốc lá, vì đây là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất.
Theo TS Lokky Wai, thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ hiện nay, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58%, và thấp hơn rất nhiều so với khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới là 75% giá bán lẻ. Khi tăng thuế thuốc lá sẽ giảm hút thuốc, đồng thời tăng doanh thu thuế của Chính phủ.
“Tăng thuế thuốc lá là biện pháp “lợi cả đôi đường” tức là lợi cho sức khoẻ cộng đồng và lợi cho thu thuế của Chính phủ” – TS Lokky Wai khẳng định.
Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Lương Ngọc Khuê cùng ông Nguyễn Ngọc Lương- Bí thư BCH TW Đoàn cùng đạp xe truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá. |
“Trong Ngày thế giới không thuốc lá năm nay, tôi kêu gọi Chính phủ và tất cả các đối tác cùng nỗ lực vượt qua thách thức để làm giảm sử dụng thuốc lá bằng cách tăng thuế thuốc lá, sẽ giúp giảm nhu cầu đối với sản phẩm nguy hiểm này và giúp đảm bảo cho một tương lai lành mạnh và bền vững hơn cho Việt Nam”- TS Lokky Wai nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cùng ca sĩ Noo Phước Thịnh đạp xe truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá. |
Ngay sau lễ mít tinh, gần 2.000 sinh viên Thủ đô đã tham gia diễu hành bằng xe đạp trên các tuyến phố và nhảy Flashmob tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để truyền tải các thông điệp kêu gọi mọi người cùng xây dựng cuộc sống không khói thuốc lá.
Số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, trung bình số tiền người Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh. Tỉ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá (gồm: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn) là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Theo thống kê tại bệnh viện K, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. |
Theo SKĐS
Post a Comment