Những năm gần đây, trẻ dậy thì sớm đang có dấu hiệu gia tăng. Cách đây 3 năm, bệnh viện Nhi Trung ương chỉ có gần 200 cháu được theo dõi bệnh dậy thì sớm thì đến nay, số bệnh nhân khám và theo dõi dậy thì sớm của bệnh viện đã lên đến gần 800 ca.

Với bé gái, tình trạng dậy sớm thì thường xuất hiện trước 8 tuổi và với bé trai là trước 11 tuổi. Đáng chú ý, có bé gái chỉ 2 - 3 tuổi đã mắc bệnh này. Trong tổng số các ca bệnh nói trên, có 500 cháu đang phải tiêm hormon hàng tháng để kìm hãm dậy thì sớm.

Trước tình trạng trẻ bị dậy thì sớm gia tăng, trên mạng xã hội thậm chí còn xuất hiện không ít thông tin cảnh báo và đưa ra lời khuyên hãy đưa trẻ đi tiêm hormon kìm hãm (ức chế) dậy thì sớm, nhằm mục đích giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi của mình.

Bác sĩ đang tư vấn cho một trường hợp khám dậy thì sớm.

Theo ghi nhận của PV, tại bệnh viện Nhi Trung ương, có một số trường hợp, dù các bác sĩ nội tiết đã hướng dẫn và tư vấn không cần thiết phải tiêm hormon ức chế dậy thì, nhưng gia đình vẫn tự ý ra ngoài tiêm thuốc ức với hy vọng sau này chiều cao của con sẽ tăng lên. Việc dùng hormon ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ làm cho trẻ không có được qua trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Thị Hoàn (nguyên Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, với những trường hợp trẻ dậy thì sớm cần có chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên có không ít bậc phụ huynh vì quá lo lắng cho con đã tự ý mua hormon về tiêm đễ “hãm” con “lớn sớm”.

“Có trường hợp chỉ đọc thông tin qua mạng đã tự ý mua hormon về tiêm cho con. Việc tự ý làm bác sĩ như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Một trường hợp ở Hà Nội, vì thấy con lớn hơn các bạn trong lớp, sự phát triển “vượt trội” ở tuyến vú nên hốt hoảng cho dùng nội tiết. Tuy nhiên, kể cả đối với trẻ có tuyến vú phát triển trước 8 tuổi nhưng khi đi khám tuổi xương vẫn bình thường, tử cung, lông mu không phát triển thì đó không được coi là dậy thì sớm”, TS. Hoàn dẫn chứng.

TS cũng khuyến cáo, nếu các bậc phụ huynh vì thấy con mình phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa mà tự ý đi mua hormon về tiêm cho con là vô cùng nguy hiểm. Với các bé gái, nếu trẻ không dậy thì sớm mà tiêm thuốc ức chế sẽ khiến trẻ chậm dậy thì và có thể làm tử cung nhỏ lại. Bé gái ở độ tuổi 9-11, tử cung chưa lớn để phải ức chế, chỉ với những trẻ dậy thì sớm mới cần có chỉ định điều trị.

“Việc sử dụng các loại nội tiết là con dao hai lưỡi. Trước mắt, các bậc phụ huynh không nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn của ức chế nhưng về lâu dài thì vô cùng nguy hiểm. Theo tôi được biết, hiện số trẻ đang điều trị về dậy thì sớm khá nhiều nhưng không phải cứ thấy “số liệu lớn” mà các bậc phụ huynh kéo nhau đi mua nội tiết điều trị cho con", BS. Hoàn nhấn mạnh.

Các bác sĩ khuyên rằng, để biết trẻ có mắc dậy thì sớm hay không phải tiến hành một bộ xét nghiệm. Sau khi chụp X-quang tuổi xương, xét nghiệm sàng lọc xem tuổi xương có gì bất thường hay không. Nếu có, trẻ sẽ được làm tiếp xét nghiệm máu xem mức độ hormon sinh dục ra sao, siêu âm bụng xem có khối u bất thường trong ổ bụng hay không; thậm chí, bé phải được chụp não xem có khối u ở não hay không... Nếu là dậy thì do những bệnh lý như u não, tăng sản thượng thận bẩm sinh thì có thể điều trị ngoại khoa, hoặc các điều trị đặc hiệu để giải quyết nguyên nhân.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top