Từ bé, con trai tôi đã hiếu động nhưng rất ngoan, nghe lời bố mẹ, viết chữ rất đẹp. Nhưng không hiểu sao, càng lớn cháu càng lười học, không tự giác vệ sinh cá nhân - lần nào cũng phải nhắc nhở, không tự giác học bài - nếu học cũng chỉ ngồi lấy lệ. Cháu bị cô phê là liên tục ngồi nghịch và nói chuyện, không tập trung trong giờ học. Và đặc biệt cháu có tính tắt mắt khiến tôi rất buồn.
Tôi đã dùng mọi biện pháp cứng mềm, khen thưởng, trừng phạt, thậm chí đánh đòn rất đau, nhưng chỉ được 5, 10 phút lại đâu vào đấy, như chưa có chuyện gì xảy ra... Tôi rất buồn và rất mong được giúp đỡ... (Lương)
Ảnh: ilslearning |
Trả lời
Bé lười học là do bố mẹ đã chưa dạy con ý thức học tập tự giác. Việc cha mẹ nhắc nhở con đã tạo cho con tính ỷ lại. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng vậy, cha mẹ nhắc nên con ỷ lại và lười dần.
Để xử lý việc này, cha mẹ cần ngưng ngay việc nhắc nhở con và thực hành phạt. Hình thức phạt nên là tước đi một quyền lợi nào đó của con. Ví dụ: cả nhà đi ăn kem và riêng con ngồi nhìn mà không được ăn. Con sẽ cảm thấy rất thiệt thòi vì mình bị tước quyền lợi dù có thể con không thích ăn kem. Từ đó, con cũng sẽ nhận ra rằng nếu con không hoàn thành tốt công việc của mình (học tập, làm vệ sinh cá nhân…) con sẽ bị phạt. Vài lần, con sẽ nhớ và thực hiện công việc nghiêm túc và tự giác.
Về việc con ăn trộm tiền, lý do có thể là do cha mẹ đã để tiền quá lung tung, kích thích con có mong muốn giữ làm của riêng hoặc đi mua quà. Trẻ nhỏ vốn sống bản năng hơn người lớn rất nhiều. Mỗi khi thích vật gì, trẻ có xu hướng muốn chiếm làm của riêng. Điều đó xảy ra gần như ở hầu hết các trẻ. Đó không phải là tính xấu mà chỉ là một sự trải nghiệm. Nếu sự trải nghiệm này được điều chỉnh sớm, đứa trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn nếu không, nó có thể biến thành thói quen hoặc tính cách xấu.
Cách xử lý là chị hãy cho con biết nỗi khổ sở của người bị mất đồ đạc. Ví dụ, kể cho con nghe hoàn cảnh của một người bị mất sạch đồ đạc do trộm cắp dẫn đến mất trắng, hoặc người bị bệnh nặng đã bị mất số tiền duy nhất dùng để chữa bệnh. Đánh động vào lòng trắc ẩn của con sẽ khiến con phải nhìn lại hành vi của mình.
Ngoài ra bố mẹ cũng cần cho con học về pháp luật. Trẻ thường không biết hành vi đó của mình đã cấu thành phạm tội. Vì thế, con lấy vô tư mà không nghĩ ngợi gì nhiều. Nếu cha mẹ cho con biết các điều luật liên quan, con sẽ hiểu và không thực hiện những hành vi đó nữa.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Post a Comment