Nhìn chồng vừa nâng niu con trên tay vừa khe khẽ hát ru, chị Xuân nghẹn ngào hạnh phúc và thấy những hy sinh, thử thách suốt 10 năm hoàn toàn xứng đáng.
Vợ bị buồng trứng đa nang, chồng không có tinh trùng, vợ chồng chị Đào Thị Xuân và anh Nguyễn Văn Dũng ở Kon Tum từng có lúc tuyệt vọng nghĩ cả đời mình chẳng bao giờ được thực sự làm bố, làm mẹ. Trải qua bao chông gai 10 năm, họ đã lập được kỳ tích khi có bầu tự nhiên và vừa sinh bé trai khỏe mạnh 15 ngày trước.
"Vậy là cuối cùng cái tên Hải Phong mà vợ chồng ấp ủ sẽ đặt cho con trai từ lúc mới cưới nhau cũng được gọi rồi", chị Xuân thủ thỉ.
Nhiều năm trước, khi mong mãi mà con chưa tới, nhiều lần, khi thấy bụng vợ căng lên vì ăn no, anh Dũng lại vỗ vỗ bảo: "Chà, Hải Phong đang lớn à", khiến chị vừa buồn cười, vừa xót xa.
Vợ chồng chị Xuân cưới nhau năm 2007. Khi ấy, vợ là giáo viên cấp 1 chưa được vào biên chế, chồng mới làm cơ quan nhà nước, lương thấp nên cả hai thực hiện kế hoạch. Sau đó 6 tháng, anh chị quyết định có con do bố mẹ chồng lớn tuổi, anh xã lại là con trưởng nên bị gia đình thúc giục.
Tuy nhiên, vài tháng cố gắng vẫn không thành, chị Xuân lo lắng, âm thầm đi khám và phát hiện mình bị buồng trứng đa nang, trứng lép, niêm mạc mỏng. Tự lấy thuốc về uống suốt 3 tháng nhưng chẳng tiến triển gì, chị đành khai thật với chồng. Anh xã rất thương vợ nên đèo chị tới Bệnh viện Từ Dũ cùng khám. Kết quả tại đây khiến cả hai vợ chồng đều sốc: Anh Dũng không có tinh trùng, do biến chứng từ lần mắc quai bị thủa bé.
Hai vợ chồng lại mang một đống thuốc về uống nhưng xét nghiệm lại sau một tháng, ba tháng, rồi một năm vẫn y như cũ. Thất vọng, anh chị chuyển sang bệnh viện khác nhưng kết quả vẫn là con số không sau cả năm chạy chữa. Suy sụp, nản lòng, nhiều đêm anh Dũng thức trắng, đốt hết vài bao thuốc.
10 năm mong mỏi, chị Xuân và chồng đã được nắm bàn tay bé xinh của con yêu. Ảnh: NVCC. |
Không còn hy vọng ở thuốc Tây, chị Xuân và chồng chuyển sang uống thuốc lá. Nơi nào được mách anh chị cũng tìm đến, thuốc lấy về uống triền miên, trong nhà lúc nào cũng có hai ấm sắc nghi ngút khói, đến nỗi anh Dũng đi làm còn bị hỏi có phải nhà mở tiệm thuốc bắc không mà người nồng nặc mùi vậy.
Vừa lo tiền mua thuốc, vừa cố vượt qua cảm giác lo lắng, thất vọng không khiến vợ chồng chị Xuân nặng nề bằng áp lực từ gia đình và mọi người xung quanh.
Nhiều lần, sợ bị hỏi chuyện con cái, Tết hay đám hiếu hỉ..., vợ chồng chị không dám đến, phải lấy cớ đau ốm, đi công tác rồi đóng cửa ở nhà để khỏi giáp mặt ai. Bố mẹ anh Dũng thì vừa đi lấy thuốc về cho các con uống, lại mời thầy cúng, thầy bùa về làm phép. Chưa thành ý nguyện, hai cụ ra tối hậu thư buộc anh bỏ vợ, lấy người khác để sinh người nối dõi.
"Hồi đó tụi mình sợ bố mẹ sốc nên đâu dám nói anh xã không có tinh trùng, mỗi lần các cụ hỏi tới chỉ bảo 'tụi con đi khám mà chưa rõ nguyên nhân'", chị Xuân kể lại.
Bế tắc, thời gian đó, anh Dũng lao vào nhậu nhẹt để quên đi mọi chuyện. Dù vậy, bản tính là người nghị lực, lại hết mực thương vợ, anh lại cùng chị tiếp tục cuộc hành trình tìm con mà không biết khi nào mới tới đích.
Năm 2011, nghe mách ở Campuchia có thầy giỏi, vợ chồng chị Xuân tìm đến chữa, tốn cả trăm triệu nhưng vẫn chẳng thấy con đâu. Thậm chí, anh chị cũng thử tin theo hướng tâm linh, đi cầu tự ở hết chùa này miếu kia. Năm 2013, anh Dũng xin chuyển công tác về TP HCM để tiện chữa bệnh, chấp nhận mất cơ hội thăng tiến, phải làm việc ở vị trí kém hơn. Từ đây, hai vợ chồng lại dắt nhau đi các bệnh viện với hy vọng mong manh sẽ có thêm cơ hội.
Sau 2 năm ròng rã vô vọng, chị Xuân tình cờ đọc được thông tin từ một người bạn Facebook về người từng chữa thành công cho trường hợp không có tinh trùng như anh xã. "Mình không hy vọng gì lắm khi tới đó, cũng định không mua thuốc vì thấy bác sĩ nữ đông y còn trẻ măng, mới 28 tuổi", chị Xuân kể.
Tuy nhiên, không còn gì để mất, vợ chồng chị vẫn lấy thuốc về uống và hai tháng sau đi xét nghiệm thì thấy đã có vài con tinh trùng. Vừa mừng vừa lo, hai người quyết định thụ tinh trong ống nghiệm vì nghĩ với tình trạng trục trặc của cả hai vợ chồng thì sẽ không thể có con tự nhiên. Niềm hy vọng tràn trề mau chóng tan như bọt biển khi hai lần thụ tinh đều không thành.
Tuyệt vọng, lại cạn kiệt về kinh tế sau khi vay nợ khắp nơi để làm hỗ trợ sinh sản nhưng thất bại, cả hai rơi vào khủng khoảng và chán nản. Vợ chồng ở chung nhà nhưng như hai người xa lạ, đi về như cái bóng, không nói với nhau một lời.
Thời gian này, chị Xuân vẫn thường xuyên nhận được lời hỏi han, chia sẻ từ vị lương y trẻ. "Tôi biết ơn cuộc đời này đã cho mình cơ may gặp được một người thầy thuốc có tâm đến thế. Không chỉ bốc thuốc cho tôi, cô ấy còn chia sẻ, tâm sự, giúp tôi hiểu rằng trên đời còn bao số phận bất hạnh hơn mình, rằng cây cỏ bị vùi lấp còn cố chen lên mà sống, sao mình lại dễ dàng bỏ cuộc", chị Xuân tâm sự. Chị động viên chồng ấp ủ lại hy vọng về tiếng cười trẻ thơ, lấy lại tinh thần, cùng nhau cố gắng.
Hai vợ chồng chị tiếp tục uống thuốc sinh tinh từ vị thầy thuốc trẻ. Ngoài ra, cả hai cùng tăng cường cải thiện sức khỏe tổng thể bằng cách ăn uống theo chế độ được bác sĩ khuyên (bỏ hết rượu bia, nước ngọt, cà phê, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, bơ, trứng, hàu, thịt bò...) và tập thể dục đều đặn.
"Ngày nào hai đứa cũng dậy sớm, chạy công viên vài vòng rồi về nấu, ăn sáng xong mới đi làm. Chiều vợ chồng cũng chạy bộ, hít thở không khí trong lành mới về ríu rít nấu bữa tối. Cả hai không nặng nề mọi việc nữa. Dù không con, tôi luôn cảm thấy mình là người phụ nữ hạnh phúc vì có chồng hết mực yêu thương, chăm sóc, không ngại bất cứ việc gì trong nhà", chị Xuân nhớ lại.
Duy trì nhịp đó suốt 4 tháng thì chị Xuân thấy trễ kinh. Thử que lên hai vạch nhưng chị vẫn chưa dám tin rằng mình có bầu một cách tự nhiên. Tới khi đi làm xét nghiệm, chắc chắn có thai, vợ chồng chị mới tin mình thật sự được làm bố mẹ và ôm nhau òa khóc.
Suốt những ngày sau đó, dù cứ ăn gì vào đều nôn ra, người mẹ vẫn cố gắng nạp thật nhiều thức ăn với hy vọng cơ thể giữ lại được chút gì nuôi con. Anh Dũng ngày đi làm thì chớ, tối về là trò chuyện, đọc sách cho em bé còn nằm trong bụng vợ nghe. Đêm nào anh cũng hỏi vợ thèm gì để mua. Đúng như mong chờ, đủ ngày đủ tháng, em bé chào đời khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả hai bên gia đình. "Không lời nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi lúc ấy. Cuối cùng, sau bao năm mong ngóng, chiến đấu, chúng tôi cũng được ôm con trong tay", chị Xuân chia sẻ.
Chị Xuân kể rằng, để có được đứa con này, vợ chồng chị đã đánh đổi rất nhiều. Suốt hành trình chữa trị, chỉ riêng tiền thuốc và các thủ thuật hỗ trợ sinh sản đã tốn kém hơn 600 triệu đồng. Vợ chồng chị phải bán cả mảnh đất bố mẹ cho, đi ở căn nhà thuê chật chội, gác hết các cơ hội công việc để thuận tiện cho việc chữa hiếm muộn.
"Tất cả những đánh đổi ấy cuối cùng cũng mang lại kết quả. Nhiều lúc ngắm con, hai vợ chồng lại nhìn nhau rưng rưng vì hạnh phúc ngọt ngào này sau cả chặng đường dài", chị Xuân chia sẻ.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Vương Linh
Post a Comment