Theo WHO, ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng trên 3 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ nhiều hơn nam.

Nguyên nhân của trầm cảm khá phức tạp, gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội, tâm sinh lý, thường xảy ra ở người bị stress sau khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống như: Mâu thuẫn gia đình, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, thất nghiệp, thất bại trong học tập hoặc công việc hoặc sau khi mắc một số căn bệnh nặng, mạn tính như ung thư, tim mạch, đột quỵ…

Việt Nam có khoảng trên 3 triệu người bị rối loạn trầm cảm (Ảnh minh họa).

Dấu hiệu thường thấy ở bệnh trầm cảm là:

• Cảm giác buồn chán, trống rỗng.

• Khó tập trung suy nghĩ, hay quên.

• Luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm việc gì.

• Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng.

• Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều.

• Hay cáu gắt, giận dữ.

• Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày.

• Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều.

• Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.

• Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa...

Người mắc trầm cảm nếu không được điều trị sẽ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến khả năng làm việc, học tập và cuộc sống hằng ngày, thậm chí dẫn đến ý muốn tự tử.

Trầm cảm là căn bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được. Việc tạo môi trường sống, học tập, làm việc lành mạnh và sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của gia đình, thầy cô, bè bạn, đồng nghiệp, cộng đồng là vô cùng quan trọng để dự phòng và kiểm soát trầm cảm.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trầm cảm là một vấn đề sức khỏe ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, cần thiết:

Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông làm cho người dân có nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời, biết cách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm.

Thứ hai, phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao như học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi, thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe, chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.

Để dự phòng trầm cảm, ngành y tế khuyến cáo:

1. Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kì ai cũng có thể mắc trầm cảm.

2. Hãy trò chuyện với mọi người vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.

3. Nếu bạn nghĩ mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.

4. Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top