Tin nhanh, ngày 17/6, Tổ chức Marie Stopes Việt Nam (MSV), Trung tâm sức khỏe sinh sản cộng đồng tổ chức Hội thảo dự án “Tăng cường trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS)- kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho người dân vùng khó khăn thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Quảng Bình”.
Trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2016, MSV đã phối hợp cùng Sở Y tế Lâm Đồng và Quảng Bình thực hiện dự án trọng điểm do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.
Sáng kiến “Trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ y tế ” là một tiếp cận mới về cải thiện chất lượng dịch vụ y tế tại vùng khó khăn, phù hợp với định hướng và quyết tâm của Bộ Y tế, về nâng cao chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Một cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình trong cung cấp dịch vụ y tế có sự tham gia của người dân đã được xây dựng và vận hành thí điểm tại 10 xã thuộc hai huyện trọng điểm khó khăn của Việt Nam; là Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) và Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình).
Qua kết quả đánh giá cuối dự án, mô hình dự án này đã bước đầu cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện và duy trì chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng sự hài lòng của khách hàng, nâng cao năng lực của mạng lưới và trực tiếp góp phần giảm tải cho y tế tuyến trên.
Cơ chế giám sát trách nhiệm giải trình có sự tham gia của cộng đồng có tiềm năng nhân rộng không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn có thể áp dụng ở lĩnh vực cung cấp dịch vụ công khác.
Tính đến 30/5/2016, Tổ chức MSV cho biết đã có 30.069 lượt người dân được tiếp cận truyền thông nâng cao nhận thức về quyền của khách hàng đối với các dịch vụ SKSS-KHHGĐ có chất lượng; 9 vòng giám sát trách nhiệm giải trình được tổ chức với 90 cuộc họp và gần 3.000 lượt người dân tham gia.
Người dân vùng xa xôi, khó khăn được hưởng tư vấn sử dụng dịch vụ y tế nhằm đảm bảo sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho bản thân. |
Trải qua 25 khóa tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế với sự tham gia của 500 lượt học viên; 10/10 trạm y tế đảm bảo cung cấp các dịch vụ KHHGĐ theo phân tuyến; 23.700 lượt khách hàng tiếp cận và nhận các dịch vụ SKSS-KHHGĐ có chất lượng.
Trong đó, có 1.177 khách hàng nhận dịch vụ đặt dụng cụ tử cung ngay tại trạm y tế); mức độ hài lòng của khách hàng luôn được ghi nhận ở mức 87-88% (tỷ lệ này chỉ ở mức 50% vào đầu kỳ dự án – báo cáo khảo sát số liệu đầu vào).
Phát biểu trong hội nghị, ông Cao Thế Cảnh (Ban Giám sát trách nhiệm giải trình xã Hóa Tiến, Quảng Bình) chia sẻ: “Nếu ở các dự án khác, người dân là người ngồi chờ hưởng lợi thì dự án này đã đặt người dân vào vị trí trung tâm và Ban Giám sát là người hỗ trợ, thúc đẩy người dân đưa ra ý kiến đánh giá, khuyến nghị để thay đổi mang lại lợi ích cho chính người dân.
Chúng tôi rất đánh giá cao cách làm này của dự án. Đến nay, người dân đã được tiếp cận với dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ tại trạm y tế xã một cách thuận lợi, với thái độ phục vụ nhiệt tình của các cán bộ trạm y tế”.
Kết quả đánh giá cuối kỳ của dự án cho thấy, 94,2% người dân ở độ tuổi sinh sản đã sử dụng các dịch vụ KHHGĐ ở TYT xã (tăng 15,1% so với đánh giá đầu kỳ). Hầu hết người dân lựa chọn nơi khám thai và sinh con là TYT xã. Trên 82.6% phụ nữ đã khám phụ khoa tại TYT (tăng 22,6 % so với thời điểm đánh giá đầu kỳ).
Việc gia tăng số lượt khách hàng đến sử dụng dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại TYT giúp giảm quá tải cho bệnh viện huyện, chuyển tuyến, đồng thời tạo sự thuận tiện, giảm chi phí khám chữa bệnh và chi phí đi lại cho dân.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng (Trưởng đại diện MSV) cho hay: "Dự án là một phương thức tiếp cận mới, lần đầu tiên được thí điểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam.
Những kết quả và bài học kinh nghiệm từ Dự án đã khẳng định hiệu quả của cơ chế giám sát này trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu nói chung và chăm sóc SKSS nói riêng tại tuyến xã, đặc biệt tại các khu vực vùng khó khăn.
"Cần khuyến khích, thúc đẩy việc đưa dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ thiết yếu như một thành tố quan trọng của chăm sóc sức khỏe ban đầu về với tuyến xã, gần người dân nhất có thể.
Nếu đầu tư 1 USD vào KHHGĐ sẽ tiết kiệm được 10 USD chi phí liên quan mà xã hội người dân phải chi trả. Nếu lồng ghép dịch vụ KHHGĐ vào Bảo hiểm y tế thì lợi nhuận đem lại sẽ là 6 USD trên 1 USD chi phí cho Bảo hiểm y tế", bà Hằng nhận định.
Người dân tham gia tích cực sau khi được tư vấn miễn phí từ các tư vấn viên |
Với sứ mệnh “đảm bảo quyền căn bản của cá nhân trong việc sinh con theo lựa chọn, không phải ngoài ý muốn”. Tổ chức MSV đã và đang bền bỉ và nỗ lực mang lại các dịch vụ CSSKSS và KHHGĐ cho cộng đồng cũng như hợp tác hiệu quả với các đối tác để mở rộng tiếp cận dịch vụ tại Việt Nam.
Hiện tại, tổ chức MSV đang hỗ trợ một mạng lưới 11 phòng khám sản phụ khoa-kế hoạch hóa gia đình mang tên Marie Stopes, hai mạng lưới nhượng quyền xã hội BlueStar (250 cơ sở y tế tư nhân) và “tình chị em” (250 trạm y tế xã) và một chương trình thúc đẩy cung ứng dịch vụ KHHGĐ dài hạn và vĩnh viễn - CHOICE tại 35 tỉnh thành trên toàn quốc.
Năm 2015, mạng lưới này đã phục vụ hơn 2,7 triệu lượt khách hàng, tạo ra hơn 3,6 triệu năm tránh thai cho các cặp đôi.
Anh Tuấn
Post a Comment