'Tôi đã phải đeo tới 2 cái khẩu trang để khám cho bệnh nhân nhưng mùi nước hoa nồng nặc vẫn khiến tôi choáng váng', một nha sĩ chia sẻ.
Sau bài viết 17 quy tắc lịch sự tối thiểu ai cũng phải biết, nhiều độc giả VnExpress chia sẻ những câu chuyện họ từng gặp phải và gợi ý thêm một số quy tắc xã giao mỗi người cần có trong cuộc sống hàng ngày.
Nói về nguyên tắc sử dụng nước hoa một cách vừa đủ, một độc giả chia sẻ: "Tôi không phản đối xức nước hoa, nhưng không ít khi tôi phải 'nín thở' khi đi thang máy chung với người xức nguyên lọ lên người. Về luật họ không sai, nhưng khó nhận thức họ là người 'biết điều' hay tinh tế".
Cũng từng bị ám ảnh bởi mùi nước hoa nồng nặc, một nha sĩ cho hay, vì đặc thù nghề nghiệp nên anh bắt buộc phải tiếp xúc gần bệnh nhân, có lúc anh đã đeo tới 2 cái khẩu trang nhưng mùi hương khó chịu vẫn khiến anh bị đau đầu, choáng váng. "Nước hoa chỉ nên xịt vừa đủ, tôi không hiểu sao có một số người xịt nhiều đến mức tôi chỉ cần đứng cách cả mấy mét đã nghe mùi. Làm ơn dùng nước hoa một cách văn minh để thương cho khứu giác người khác", anh hài hước chia sẻ.
Sử dụng nước hoa một cách vừa đủ sẽ không khiến người khác khó chịu về bạn. Ảnh: womansday. |
Ngoài 17 quy tắc lịch sử tối thiểu, độc giả Mỹ Dung đưa ra thêm một loạt những quy tắc rất cần thiết khi xã giao như: Khi bắt tay một người nào đó đừng nhìn đi chỗ khác; Khi mới gặp nhau, đừng vội giới thiệu bản thân như đang làm chức vụ gì, con của người có thân thế ra sao. Ở nơi công cộng, mỗi người cần phải hiểu phép lịch sự cơ bản như không chen ngang khi xếp hàng, vứt rác bừa bãi, nằm trên ghế công viên...
Một số độc giả khác cũng mong muốn mọi người khi đi đường không nên bấm còi xe quá nhiều, lạng lách vượt đèn đỏ, ảnh hưởng đến người khác. Đặc biệt, khi sống trong một môi trường tập thể, nên để ý đến người xung quanh, đừng chỉ quan tâm đến bản thân mình, ví như nên giữ im lặng khi ai đó đang ngủ, hay đừng bật nhạc quá to khi có người đang học bài, làm việc. Văn hóa dẫn khách đến phòng chơi, đến thăm bệnh nhân cũng nên được chú ý để không ảnh hưởng đến mọi người.
Trong các bữa ăn, nhiều người cho rằng điều tối kỵ là chép miệng và phát ra tiếng động khi ăn uống. Việc gắp thức ăn chéo tay người khác, gắp không để ý trước sau cũng thể hiện thái độ không lịch sự. Chủ nhà không nên đứng lên khi khách vẫn còn ăn, và tuyệt đối không xỉa răng khi người ngồi cùng mâm vẫn dùng bữa.
Nhổ nước bọt khắp nơi là một thói quen xấu của nhiều người. Ảnh: Business Insider. |
Trang Business Insider cũng đăng tải bài viết về những thói quen của người châu Á bị người nước ngoài cho là bất lịch sự, trong đó có một điểm nhiều người Việt vẫn mắc phải, đó là việc khạc, nhổ nước bọt ở khắp nơi.
Họ rất ngạc nhiên và lấy làm khó hiểu khi nhìn thấy nhiều người vô tư nhổ nước bọt từ chỗ công cộng như vỉa hè, công viên, xe buýt, bến tàu... thậm chí là ngay cả trong sân, trong nhà ở.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng thẳng thắn chia sẻ 6 nỗi sợ khiến người nước ngoài đến Việt Nam cảm thấy không được tôn trọng, đó là: Chặt chém; ăn xin, ăn cắp vặt; giao thông không an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo; ý thức bảo vệ môi trường kém và thái độ bán hàng thiếu lịch sự khi khách không mua hàng.
Cuộc sống không nên máy móc, rập khuôn theo một nguyên tắc nào, nhưng những điều lịch sự tối thiểu sẽ giúp bạn có thiện cảm trong mắt người khác.
Tuệ Minh
Post a Comment