Một câu chuyện khó tin về người đàn ông Trần Ngọc Khanh (65 tuổi, ngụ Vĩnh Hải, Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận) bị xác định nhiễm HIV được đăng tải trên Tuổi Trẻ mới đây đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, báo này cho hay, năm 1997 ông Khanh được cán bộ y tế tỉnh Bình Thuận và xã Vĩnh Hảo đến nhà đưa đi lấy máu xét nghiệm HIV. Lý do lấy máu xét nghiệm có thể bởi trước đây ông từng sử dụng ma túy.

Sau đó vài ngày, cán bộ y tế đến nhà thông báo ông Khanh bị nhiễm HIV và đưa vào diện giám sát ca bệnh tại địa phương.

  Bỗng hết nhiễm HIV sau 19 năm: Đã nhiễm thì không thể tự khỏi! - Ảnh 1

Ông Khanh cầm phiếu xét nghiệm âm tính HIV trên tay (Ảnh: Nguyễn Nam/Báo Tuổi Trẻ).

Kể từ khi nhận được thông báo này, ông Khanh suy sụp tinh thần còn gia đình ông sốc nặng. Mọi sinh hoạt, ăn uống của gia đình bị đảo lộn, đi đâu ông cũng bị hàng xóm hay mọi người xa lánh.

“Tôi đi ăn giỗ, vừa đặt đũa gắp miếng thịt thì mấy người ngồi cùng bàn không ai dám đụng tới nữa. Có người còn nói với tôi là ông bị nhiễm HIV mà giấu. Tui sống nhiều năm trong tủi nhục như vậy đó” - ông Khanh tâm sự trên Tuổi trẻ.

Có một điều lạ là trong suốt 19 năm đó, ông Khanh thấy cơ thể mình vẫn bình thường, khỏe mạnh và cũng không hề phát bệnh. Trong một đêm trăn trở rằng vì sao bị căn bệnh thế kỷ mà không chết, ông đã vào TP.HCM để xét nghiệm lại.

Tờ phiếu xét nghiệm của công ty TNHH y tế Hòa Hảo (TP.HCM) ngày 16/5 cho kết quả âm tính với HIV khiến ông Khanh vô cùng vui mừng. Nhưng để chắc ăn ông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang) làm xét nghiệm ở khoa hóa sinh – vi sinh. Kết quả vẫn âm tính với HIV.

Vẫn chưa yên tâm, ông vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để làm xét nghiệm lần nữa và kết quả ông Khanh âm tính với HIV.

Tìm đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận (nơi cách đây 19 năm kết luận ông bị nhiễm HIV) đề nghị lấy mẫu xét nghiệm HIV và đến ngày 30/5 tại đây ông Khanh nhận được kết quả xét nghiệm hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.

Câu chuyện khó tin này được chia sẻ ngày hôm nay đã tạo ra nhiều luồng tranh cãi. Vì sao lại xảy ra trường hợp như vậy và không uống thuốc điều trị có thể tự khỏi bệnh HIV hay không?

Đem thắc mắc này, PV Báo Người Đưa Tin đã liên hệ với Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Bệnh viện 09 Hà Nội (Nơi có rất nhiều người đang từng ngày, từng giờ chống chọi với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS).

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn cho biết, muốn biết lý do vì sao lại có trường hợp như vậy thì phải có đầy đủ căn cứ hỏi ông Khanh xem cách đây 19 năm trong tình huống như thế nào mà ông đi xét nghiệm, và đi xét nghiệm ở đâu, xét nghiệm loại gì, kết quả như thế nào.

Ông Tuấn nhấn mạnh: “Phải hiểu quy trình làm xét nghiệm để khẳng định một người nhiễm HIV. Đây là quy trình rất chặt chẽ chứ không đơn thuần có một lần xét nghiệm rồi trả lời cho người bệnh là nhiễm HIV”.

  Bỗng hết nhiễm HIV sau 19 năm: Đã nhiễm thì không thể tự khỏi! - Ảnh 2

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn (Ảnh: Nhật Thy/internet).

Theo bác sĩ Tuấn, ông cho rằng phải nghe thông tin nhiều chiều bởi về mặt quy định trả lời cho người nhiễm HIV cần có những quy trình: “Trong quy trình xét nghiệm HIV có 3 chiến lược xét nghiệm. Khi xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV thì có phương pháp phát hiện kháng thể nhanh. Phương pháp này nằm trong quy định được nhập khẩu của Bộ Y tế, chuẩn hóa rồi mới được dùng phương pháp này để làm xét nghiệm.

Bệnh nhân đầu tiên phải làm xét nghiệm bằng phương pháp đó và kết quả nghi ngờ dương tính lập tức phải mang mẫu máu đó đi để kiểm định lại bằng 2 phương pháp nữa.

Từ hai phương pháp này cùng một mẫu bệnh phẩm mà cho cùng một kết quả dương tính. Cộng với kết quả ban đầu tức là ba lần xét nghiệm trên cùng một mẫu thử thì lúc đó mới khẳng định nhiễm HIV”.

Thông qua những quy trình nghiêm ngặt như vậy để xét nghiệm bệnh nhân nhiễm HIV nên theo bác sĩ Tuấn cần phải gặp, hỏi lại ông Khanh xem ông được đưa đi xét nghiệm như thế nào, qua những bước nào. Đến nơi lấy máu hỏi lại xem có lấy máu đi xét nghiệm không? Kết quả kiểm định đến đâu: ‘Nếu tất cả ba kết quả đó mà cùng là dương tính và bây giờ lại là âm tính thì nên xem lại, cũng có thể là do nhầm lẫn mẫu máu”.

Bên cạnh đó, chia sẻ thêm với PV Báo Người Đưa Tin, Bác sĩ Tuấn cho biết trong quá trình công tác bản thân anh chưa bao giờ gặp trường hợp như ông Khanh (tức là ban đầu cho kết quả dương tính và sau thì lại âm tính HIV).

“Về mặt chuyên môn, về mặt khoa học cho đến giờ phút này tôi có thể khẳng định chưa có ai nói và đã khẳng định là nhiễm HIV mà có thể tự khỏi bệnh, tự âm tính được. Đó là điều chưa bao giờ có trong khám chữa bệnh”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh thêm.

Thanh Lam

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top