'Tôi đăng ký làm từ mùng 1 đến mùng 7. Ngày Tết tiền lương cũng được tăng gấp đôi, gấp ba nên chắc tiền lương sẽ khá. Nếu nghỉ ở nhà thì lấy tiền đâu ra', chị Lan chia sẻ.

Từ Giao thừa đến hôm nay, chị Lê Thị Lan (41 tuổi, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) hôm nào cũng dậy từ 4 rưỡi sáng, chuẩn bị một số món cho cả nhà ăn ngày Tết. Vì đăng ký từ làm từ mùng 1 đến mùng 7 nên chị cố gắng làm trước vài món cho chồng và 2 đứa con ở nhà. Chị muốn ba bố con có cảm giác đủ đầy, không thua kém nhà khác dù không có chị ở nhà thường xuyên.

"10 giờ tối đêm Giao thừa tôi mới về đến nhà. Lúc ấy tôi mới thổi xôi, luộc gà để làm mâm cơm cúng tổ tiên. Sáng hôm sau lại dậy sớm nhưng tôi không quá mệt mỏi, không khí ngày Tết làm tôi thấy phấn khởi dù không thể đón Tết trọn vẹn như mọi người. Không có mẹ ở nhà, đứa con gái đầu 24 tuổi thay mẹ làm nhiều thứ, chồng cũng hiểu công việc nên giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu đồ ăn. Tối về tôi sẽ tranh thủ đi thăm hàng xóm, họ hàng, mọi người đều hiểu hoàn cảnh nên chẳng ai trách móc gì", chị Lan chia sẻ.

Chị tâm sự phải đăng ký làm thêm ngày Tết vì tiền lương cũng được tăng gấp đôi, gấp ba nên tháng này chắc tiền lương sẽ khá. Nếu chị nghỉ Tết ở nhà gần chục ngày, kinh tế trong tháng sẽ bị thâm hụt đáng kể.

Đến giờ cơm trưa, chị Lan cùng anh chị em công nhân háo hức với bữa cơm ngày Tết, người mang bánh chưng, người mang giò, nem góp thành mâm cơm tuy chẳng đầy đặn nhưng vẫn ấm áp nghĩa tình. Họ cười nói, chia sẻ với nhau những câu chuyện gia đình như xem pháo hoa ở đâu, nhà gói được bao nhiêu chiếc bánh... Những nụ cười còn hằn bao vất vả lo toan nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng về một năm mới đủ đầy.

tet-khong-tron-ven-cua-nhung-nguoi-tranh-thu-kiem-tien-lam-them

Bữa cơm trưa ngày mùng 1 Tết của chị em công nhân. Ảnh: Tuệ Minh.

Sau một năm kinh doanh khó khăn, anh Đức (Thường Tín, Hà Nội) từ bỏ cửa hàng nhỏ làm công nhân điện tại công trường này. Đây là năm đầu tiên anh không được đón Tết trọn vẹn bên gia đình nhỏ. Mọi năm ngày cuối năm anh cùng vợ dọn dẹp nhà cửa, thay bể cá... năm nay tất cả mọi việc đều do vợ anh lo vì anh đi làm đến tận đêm Giao thừa. Về nhà kịp ăn bát cơm, thay bộ quần áo bảo hộ lao động là sát 12 giờ. Anh mừng vì vẫn kịp đưa vợ con đi xem pháo hoa.

Tết này anh cũng trực gần như hết mọi ngày. Kinh tế gia đình giờ phụ thuộc chính vào anh, anh cố gắng trực nhiều để kiếm được nhiều tiền hơn, ra Tết vẫn xin tăng ca, làm cả thứ 7 chủ nhật để thêm tiền.

"Tết ai chẳng muốn được ở bên gia đình. Tôi cũng muốn được tụ tập, gặp gỡ anh em bạn bè, thăm người nọ người kia nhưng hoàn cảnh mình nó thế, tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đó. Tối về tranh thủ gặp ai được thì tốt, không thì ở nhà với vợ con. Tôi vẫn tự nhủ mình may mắn vì có việc để làm, hạnh phúc với những gì do chính mình làm ra, dù vất vả nhưng thấy xứng đáng. Thấy con gái vui vì có quần áo mới, vợ vui vì có tiền thưởng Tết tôi cũng thấy nhẹ nhõm phần nào", anh Đức tâm sự.

tet-khong-tron-ven-cua-nhung-nguoi-tranh-thu-kiem-tien-lam-them-1

Nhiều công nhân đăng ký làm thêm dịp Tết để kiếm thêm tiền. Ảnh: Tuệ Minh.

Cũng vì muốn có thêm tiền làm Tết, anh Linh (Mộc Châu, Sơn La) đăng ký làm thêm vài hôm ngoài lịch trực đã phân. Để khiến người vợ mới cưới không có cảm giác cô đơn khi Tết đến, anh xin nghỉ một hôm gần giáp Tết về quê vợ ở Hải Dương, mua chút quà tặng bố mẹ, họ hàng.

Anh dự định chiều mùng 2 này sẽ nghỉ nửa buổi tiếp tục đưa vợ về quê ngoại, ăn Tết một buổi tối rồi sáng hôm sau bắt xe lên sớm đúng ngày trực. Gần hết Tết, anh sẽ lại xin nghỉ nửa buổi để về đón vợ lên, vừa tiết kiệm thời gian, vừa không bị nhỡ việc, lại vẫn vẹn tình đôi bên. 

Anh Linh cho hay hai vợ chồng mới cưới nên cuộc sống còn khó khăn, phải thuê nhà trên Hà Nội. Vì dự định có em bé trong năm nay nên anh càng phải cố gắng kiếm tiền. "Vợ nói không buồn khi tôi không thể cùng đi chúc Tết bạn bè, nhưng tôi hiểu cảm giác của cô ấy. Có ai lại không muốn hai vợ chồng cùng nhau đến nhà nọ nhà kia. Tôi tự nhủ tháng lương này sẽ mua tặng vợ một món quà nhỏ, coi như bù đắp cho cô ấy khi Tết chẳng thể ở bên".

Tuệ Minh

Post a Comment

 
Top