Thời điểm cận Tết, lợi dụng thị hiếu người tiêu dùng đang chuộng hạt hướng dương mang nhãn hiệu Thái Lan, đối tượng Lê Viết Thức (SN 1964, trú tại phường Đồng Vĩnh, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An) đã nghĩ ra cách làm hàng nhái để kiếm lời.

Đối tượng này lấy hàng là hạt hướng dương ở chợ Vinh, sau đó mua máy ép và bao bì nhãn hiệu Thái Lan ở Quảng Ninh về đóng gói rồi tung ra thị trường bán. Vụ việc bị phát giác khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Bí mật trong cơ sở quy mô lớn

Thời điểm cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động hơn bao giờ hết. Đây là thời điểm các đối tượng lợi dụng nhu cầu người dân để tập kết đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Để tránh những mặt hàng trôi nổi ngoài chợ, hàng mang nhãn hiệu Thái Lan đang được người dân xứ Nghệ tin dùng, đặc biệt là hạt hướng dương. Thế nhưng, mặt hàng này cũng đang bị làm giả tinh vi.

  Quy trình biến hạt hướng dương trôi nổi thành hàng xịn dịp Tết - Ảnh 1

Hạt hướng dương và thực phẩm khô được bày bán tràn lan.

Lợi dụng thị hiếu của người tiêu dùng, một số đối tượng đã dùng bao bì giả đóng gói hạt hướng dương mang nhãn hiệu Thái Lan sản xuất để đánh lừa người tiêu dùng. Ngày 24/1/2016, đội Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Vinh) đã bắt quả tang đối tượng Lê Văn Thức sản xuất hạt hướng dương Thái Lan giả.

Tại thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, gã bàng hoàng vì bất ngờ. Bởi, dây chuyền sản xuất hàng nhái của Thức được thực hiện khép kín, người lạ không thể xâm nhập vào được. Để đảm bảo việc sản xuất bí mật tuyệt đối, khâu đóng gói cũng chủ yếu do người nhà Thức tự làm. Thời điểm kiểm tra, cơ quan công an thu giữ nhiều tang vật gồm 14 bì tải lớn chứa 995 gói hạt hướng dương có tổng trọng lượng là 300kg, 1000 vỏ bao hướng dương nhãn hiệu Thái Lan, 1 máy dán ép đóng gói, 1 cân bàn.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận đã mua máy dán ép và vỏ bao từ Quảng Ninh còn hạt hướng dương được mua ở chợ Vinh. Sau đó, đóng gói thành hàng của Thái Lan để đem đi tiêu thụ dịp Tết Bính Thân. Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan Công an TP.Vinh hoàn tất hồ sơ để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, với nhãn mác và bao bì Thức mua từ Quảng Ninh để đóng gói giả hạt hướng dương Thái Lan, người tiêu dùng khó phân biệt được đó là hàng giả, bởi màu sắc giống y như hàng thật.

Giá cả sản phẩm này tương đương với giá hạt hướng dương thật nên người tiêu dùng khó có thể phát hiện đó là hàng nhái. Cơ sở sản xuất của Thức thuộc dạng có quy mô lớn trên địa bàn. Thức khai nhận, với hình thức sản xuất hàng nhái này, lợi nhuận thu về rất lớn.

Việc cơ sở sản xuất hạt hướng dương giả của Thức bị phát giác khiến người dân nơi đây thật sự bất ngờ. Nhiều người vẫn nghĩ, Thức mua hàng từ Thái Lan về phân phối chứ không ngờ hắn làm hàng nhái tung ra thị trường kiếm lời. “Chúng tôi cứ nghĩ ông Thức nhập hàng ở đâu về chứ không nghĩ ông ấy làm hàng nhái. Hàng ngày, cứ thấy người chở từng bì vào nhà rồi chở ra. Tôi thật không thể ngờ ông ta lại làm như vậy”, ông B. – hàng xóm của Thức cho biết.

Trao đổi với PV, Đại Tá Trần Ngọc Tú - Trưởng Công an TP.Vinh cho biết: “Hiện, cơ quan điều tra đang hoàn tất hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Về nhân thân đối tượng, chúng tôi đang tiến hành xác minh. Hình thức làm nhái các sản phẩm trên thị trường hiện nay rất tinh vi, dễ đánh lừa người tiêu dùng. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Công an TP.Vinh sẽ tăng cường tuần tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm làm hàng nhái, hàng kém chất lượng”.

  Quy trình biến hạt hướng dương trôi nổi thành hàng xịn dịp Tết - Ảnh 2

Tràn lan hướng dương không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa.

Tràn lan hướng dương không rõ nguồn gốc

Trên thực tế, không riêng địa bàn Nghệ An, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, hạt hướng dương đang rất được ưa chuộng, nhưng nguồn gốc lại không rõ ràng. Tại Thủ đô Hà Nội, hạt hướng dương đang được bày bán tràn lan ở hầu khắp các chợ trên khắp các địa bàn quận, huyện.

Điều đáng lo ngại, phần lớn hạt hướng dương bày bán đều không có nhãn mác, không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ. Tất cả đều được chứa trong túi nylon lớn. Ngay cả người bán cũng không biết rõ về nguồn gốc của mặt hàng này.

  Quy trình biến hạt hướng dương trôi nổi thành hàng xịn dịp Tết - Ảnh 3

Máy ép và bao bì được Thức sử dụng để làm hạt hướng dương giả.

Bà Nguyễn Thị S. – một tiểu thương buôn bán hàng tạp hóa, thực phẩm tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết: “Ở đây, chúng tôi sản xuất và rang hạt hướng dương, nhưng nguyên liệu thì nhập khẩu”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi nhập ở đâu, tiểu thương này nói không biết, cái này phải hỏi lại cơ sở sản xuất. Trên thực tế, các mặt hàng thực phẩm tại chợ Đồng Xuân đều được phân phối cho hầu hết các chợ nhỏ lẻ và cửa hàng trên địa bàn lân cận. Do vậy, việc xác định được nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tại thị trường TP.HCM, thời điểm cận Tết đang là mùa cao điểm, nên các cửa hàng kinh doanh thực phẩm khô (hạt hướng dương, hạt dưa) ở các chợ Bình Tây, An Đông, Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Định... hiện đang bày bán khá nhiều.

Theo quan sát, tại các sạp hàng, hạt hướng dương được đựng trong những bao nylon trong suốt. Mỗi bao chứa khoảng 5-10kg, tùy sạp. Tuy nhiên, điểm chung của các mặt hàng này là đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với các sản phẩm hạt hướng dương đã qua chế biến được tung ra thị trường, cả người bán sỉ lẫn bán lẻ đều cho rằng không thể biết được trong quá trình chế biến, các loại hạt này có bị sử dụng thêm hóa chất gây hại cho cơ thể người tiêu dùng về lâu dài hay không.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tràn vào thị trường. Đồng thời, cần khuyến cáo người tiêu dùng nêu cao cảnh giác và thận trọng khi quyết định mua hàng. Khách hàng nên đến tận nơi cửa hàng phân phối chính hãng thay vì mua hàng trôi nổi trên thị trường.

Những phát hiện bất ngờ

Mới đây, phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Hà Tĩnh) phối hợp cùng Công an huyện Đức Thọ và đội Quản lý thị trường số 5 cũng bắt giữ vụ vận chuyển lượng lớn hạt hướng dương không rõ nguồn gốc.

Theo đó, khoảng 15h, ngày 12/1, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xe khách BKS 38N-2253 (chạy tuyến TP Vinh – Hương Sơn) khi đang lưu thông trên Quốc lộ 8A (đoạn thuộc địa phận xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ), thì phát hiện trên xe chở 7 bao tải hạt hướng dương (trọng lượng 350kg) với nhãn mác bằng chữ nước ngoài, không có giấy tờ hợp lệ.

Theo trình bày của chủ xe kiêm chủ hàng Nguyễn Thị Linh (SN 1964, trú tại Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), số hàng trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, được vận chuyển từ Nghệ An về Hương Sơn (Hà Tĩnh) tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ số hàng và tiến hành tiêu hủy. Đối tượng cũng bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.

Hà Hằng – Anh Văn

Post a Comment

 
Top