Việc tránh thai bắt nguồn từ "toan tính" của các Hoàng đế

Thời xưa, Hoàng đế thường sở hữu tam cung lục viện, hậu phi vô số, mỹ nữ lại càng không đếm xuể. “Long tử long tôn” (con cháu của vua) đầy đàn được xem là phúc của hoàng tộc, cũng là phúc của thiên hạ, xã tắc.

Tuy vậy, những bậc Thiên tử xưa kia vì nhiều mục đích riêng mà áp đặt phi tần tránh thai. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, Hoàng đế muốn phi tử tránh thai chủ yếu vì ba mục đích dưới đây.

Thứ nhất: Dè chừng quan chép sử.

Việc thị tẩm và số lượng con cái của nhà vua đều được ghi chép vô cùng cẩn thận. Do đó, nếu có quá nhiều Hoàng tử, Công chúa, Hoàng đế có thể bị hậu thế đánh giá là kẻ “hoang dâm vô độ”.

Tuy Thiên tử là bậc “miệng vàng lời ngọc”, nắm trong tay quyền sinh quyền sát, nhưng ngai vàng của họ thường bị kìm hãm bởi cơ số điều như gia pháp, luật lệ của tổ tông, danh tiếng của hoàng tộc…

Nếu ham mê nữ sắc, Hoàng đế sẽ bị sách sử miêu tả bằng mấy câu như “mỗi ngày lâm hạnh một người, mỗi ngày lại có thêm một nhi tử". Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy nghiêm mà để lại tiếng xấu muôn thuở.

Bởi vậy, dù bản thân là một người phong lưu, đa tình, thậm chí đam mê tửu sắc, bất kỳ bậc đế vương nào cũng không muốn tiết lộ cho hậu thế những sự thật này. Việc tránh thai cho phi tần cũng bắt nguồn từ đó.

Vì những mục đích riêng của mình, các Hoàng đế Trung Hoa không ngần ngại ép các phi tử tránh thai. (Ảnh: nguồn internet).

Thứ hai: Các Hoàng đế cũng muốn “chọn mặt gửi vàng”.

Nếu không được sủng hạnh, các phi tần trong hậu cung chỉ còn nước sống tịch mịch cả đời hoặc chết già trong lãnh cung. Để tránh bi kịch này, vị cung phi nào cũng đều muốn mang long thai để có chỗ dựa.

Nội bộ hậu cung đầy rẫy những mưu toan và tàn khốc chẳng khác nào chiến trường. Chính vì vậy, Hoàng đế cần phải dùng biện pháp riêng để khống chế.

Theo đó, phàm là những phi tần không được nhà vua yêu thích hoặc có dã tâm, Hoàng đế sẽ phân phó thái giám buộc cung phi đó phải tránh thai.

Thứ ba: Ám ảnh về mối họa tranh quyền đoạt vị.

Lịch sử Trung Hoa từng ghi nhận không ít trường hợp phụ tử tàn sát, huynh đệ tương tàn vì tranh quyền đoạt vị như cuộc binh biến Huyền Vũ đẫm máu của Đường triều, hay nghi án “Chúc ảnh Phủ Thanh” thời nhà Tống.

Những bi kịch lịch sử này đã reo rắc trong lòng các Hoàng đế nỗi ám ảnh về mối họa từ trong nhà mà ra này. Các Thiên tử tìm cách kìm hãm sự sinh sôi của “long tử long tôn” (con cháu nhà vua) cũng là vì lẽ đó.

Những cách tránh thai bí truyền

1. Ấn huyệt lưu tinh

Tới thời nhà Thanh, Hoàng đế đối với việc tránh thai của phi tần càng thêm cẩn trọng.

Cuốn “Thanh triều dã sử quan – Thanh cung di văn” có viết: Khi đế vương cùng phi tử giao hoan, Tổng quản thái giám sẽ ở bên ngoài “quỳ gối chờ lệnh”.

Sau khi sủng hạnh xong, nếu nhà vua nói “không lưu”, thái giám tổng quản sẽ ấn và huyệt sau cổ của phi tần vừa rồi, “long tinh” sẽ chảy ra khỏi thân thể.

Cổ nhân cho rằng việc ấn huyệt lưu tinh sau cổ sẽ loại bỏ tinh dịch ra khỏi cơ thể người phụ nữ sau khi quan hệ. (Tranh minh họa).

Ngược lại, nếu Hoàng đế muốn “lưu” thai rồng, vị phi tử đó sẽ coi như may mắn được mang long ân. Ngày giờ thị tẩm cũng được viết lại cẩn thận để sau này đối chiếu.

Đây được xem là cách tránh thai khẩn cấp trong hậu cung thời bấy giờ. Vì liên quan tới chuyện tư mật của nhà vua nên hiệu quả của phương pháp này không được ghi chép lại.

Vậy nhưng, cách thức tránh thai cùng quyết định của nhà vua lại phần nào thể hiện sự lạnh lùng của bậc quân vương và thân phận xót xa của các phi tần phía sau bức tường thành.

2. Dán bụng

Ấn huyệt lưu tinh chỉ được áp dụng vào thời nhà Thanh. Trước đó, phương pháp tránh thai phổ biến được dùng trong hậu cung có tên là “đỗ thiếp” (dán bụng). Theo đó, các phi tử không được phép mang thai sẽ phải “dán” xạ hương vào rốn.

Sử sách có ghi chép: năm xưa, Triệu Phi Yến cùng em gái là Triệu Hợp Đức đã đích thân thể nghiệm công hiệu của cách thức tránh thai này. Một số giai thoại cũng khẳng định việc “dán” xạ hương vào rốn có tác dụng tránh thai tương đối hiệu quả.

Tuy nhiên, cách thức tiến hành và thành phần cụ thể của phương pháp này tới nay đã bị thất truyền.

3. Dùng tàng hồng hoa

Tàng hồng hoa là bài thuốc bí truyền tránh thai có hiệu quả và phổ biến trong cung đình. Tuy nhiên cách thức sử dụng phương thuốc này ở một số thời kỳ lại tương đối hà khắc.

Phương pháp trên có từ thời Ngũ Đại thập quốc. Tuy nhiên khi đó xã hội loạn lạc, chiến tranh liên miên, cách thức tránh thai dã man này mới có cơ hội thịnh hành.

Nếu không đồng ý phi tần vừa sủng hạnh được phép mang thai, Hoàng đế sẽ hạ lệnh treo ngược người đó lên, sau đó dùng tàng hồng hoa rửa sạch thân thể. Cổ nhân cho rằng, cách làm này có thể tẩy sạch tinh dịch trong cơ thể của cung phi.

4. Uống “thuốc độc”

Thuốc tránh thai thời xưa thực chất là một loại độc dược rất có hại đối với cơ thể phụ nữ.

Phi tử ở hậu cung đa số bạc mệnh, một phần bị hãm hại vì tranh đấu, một phần do tâm tư u buồn, còn lại là bởi tác hại của cơ số các loại thuốc dạng này.

Cơ số các bài thuốc tránh thai thời xưa đều bị xem như "liều thuốc độc" cho phụ nữ. (Ảnh: nguồn internet).

Thời cổ đại, người xưa thường dùng thủy ngân như một loại thuốc có tác dụng tránh thai. Tuy hiệu quả, nhưng thành phần này lại vô cùng có hại đối với thân thể.

Thuốc tránh thai trong cung đình thường cho thêm thủy ngân với liều lượng tương đối nhỏ để tránh ảnh hưởng đến tính mạng phi tần.

Uống trà lạnh là cách các cô gái lầu xanh dùng để tránh thai. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của phương thức này ra sao là điều ít ai biết rõ.

“Thuốc hạ nhiệt” là bài thuốc tránh thai có thành phần làm từ xạ hương. Loại thuốc này còn có khả năng làm sảy thai. Tương truyền rằng, Từ Hy năm xưa sau sau khi được Hàm Phong lâm hạnh đã bị hãm hại bằng cách này.

Chưa dừng lại ở đó, “thuốc hạ nhiệt” này còn gây vô sinh đối với người dùng nếu sử dụng trong thời gian lâu dài.

Theo Trí Thức Trẻ

Post a Comment

 
Top