"Thuốc cam" là tên gọi dân dã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong...
Bài thuốc này gồm nhiều loại dược liệu trong đó thành phần chính là tinh dầu cây chàm. Ở miền Bắc, "thuốc cam" được sử dụng khá phổ biến, thường do các cơ sở gia truyền bào chế. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nhiều loại thuốc cam gia truyền bị nhiễm chì nặng, và cực kì độc nếu xâm nhập vào cơ thể của trẻ em.
Bé 11 tháng tuổi tử vong sau 2 ngày nhập viện
Bé Phạm Thị L., có hộ khẩu thường trú ở Nam Định, được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 31/1/2016 trong tình trạng nguy kịch.
Theo Bác sĩ Bùi Thị Tho, người trực tiếp chữa bệnh cho em L. cho biết: "Bé nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu và co giật, được nghi do ngộ độc chì thể nặng".
Vị bác sĩ này cho biết thêm: "Gia đình em thông báo em bị viêm tai giữa nên mua thuốc của bà lang Dục ở Nam Định về sử dụng. Uống trong 3 tháng với liều lượng khoảng 70 viên. Được một thời gian thì xuất hiện triệu chứng co giật, hôn mê nên gia đình đưa vào viện Nhi cấp cứu".
Các kết quả xét nghiệm cho thấy, em Phạm Thị L. bị nhiễm độc chì thể rất nặng, vượt đến 9 lần hàm lượng chì cho phép trong cơ thể. Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, dù được các y-bác sĩ tại bệnh viện nhiệt tình cứu chữa nhưng bé không có khả năng cứu sống vì đã chết não.
Bác sĩ Tho thuật lại: "Được một thời gian truyền thuốc thì em không còn phản xạ do chết não và không còn khả năng cứu chữa nên gia đình đã xin về".
Chì là một kim loại mềm màu xám, xuất hiện rất nhiều trong các vật dụng hằng ngày. Đặc biệt có rất nhiều trong đồ chơi cho trẻ em hay các loại thuốc cam gia truyền tự chế của nhiều lang y. Ngoài ra, chúng còn được dùng trong pha sơn, kỹ nghệ thủy tinh, làm chất màu cho đồ gốm...
Chính được dùng đa dạng như vậy nên nếu không có biện pháp xử lý an toàn thì chì có thể gây ngộ độc. Nhiễm độc chì gồm có ba loại, loại nhẹ, trung và nặng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Thị Thọ dù bất kì nhiễm độc chì ở dạng nào đều rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nặng thì có thể dẫn đến tử vong rất nhanh, còn nếu được cữu chữa kịp thời cũng để lại di chứng não rất nặng nề.
"Cho dù các em bị bị nhiễm độc chì, may mắn chữa trị kịp thời đi chăng nữa thì cũng để lại ít nhiều di chứng về não. Đặc biệt, trẻ nhiễm độc chì thường có trí tuệ rất kém, chậm phát triển so với trẻ cùng trang lứa". Bác sĩ Tho cho hay.
viết miêu tả ảnh vào đây |
Bác sĩ Tho cũng chia sẻ thêm: "Tại sao nhiều gia đình lại có thể tin vào những thứ thuốc tự bào chế như vậy được. Chẳng ai biết được chúng được sản xuất ra làm sao, hay như thế nào. Nhiều người chỉ tin vào đồn thổi mà mua về cho con sử dụng, đến khi xảy ra hậu quả thì đã quá muộn".
Bác sĩ Bùi Thị Tho đưa ra lời khuyên: "Tuyệt đối hạn chế sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là mua về cho trẻ con hoặc là trẻ sơ sinh về sử dụng. Và khi con bị bệnh, hay nghi vấn bị làm sao thì các gia đình nên đưa tới các cơ sở y tế để được chữa trị. Và chớ nên tin tưởng quá nhiều vào những vị thuộc cam gia truyền như thế".
Bé 6 tháng tuổi nguy kịch vì... nhà bán thuốc cam
Theo thống kê sơ bộ của bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong năm 2015 đã có vài chục ca trẻ sơ sinh nhập viện vì nhiễm độc chì. Và chỉ trong 1 tuần trở lại đây, đã có 3 bé nhập viện trong tình trạng rất nặng, trong đó đã có 1 bé đã tử vong. Hầu hết, các bé vướng phải nhiễm độc chì là do sử dụng thuốc cam của một số lang y địa phương.
Có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện Nhi trung ương ngày 2/2, PV báo điện tử Người Đưa Tin ghi nhận được một trường hợp trẻ bị nhiễm độc chì nặng đang trong tình trạng hôn mê sâu.
Bé Đinh. T.T, 6 tháng tuổi đã bị nhiễm độc chì nặng đang trong tình trạng hôn mê sâu. |
Bé là Đinh.T.T, 6 tháng tuổi có hộ khẩu thường trú tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Theo bác sĩ Đào Hữu Nam, người trực tiếp chữa trị cho em T. chia sẻ: "Bé nhập viện vào ngày 27/1 trong tình trạng hôn mê sâu. Từ đầu gia đình giấu không cho biết biểu hiện bệnh của trẻ, cũng như không tiết lộ cho trẻ sử dụng thuốc cam nên việc điều trị nhanh rất khó. Vì vậy, phải thông qua các biện pháp kiểm tra máu mới có thể chuẩn đoán được bệnh và điều trị theo phác đồ".
Sau khi nhận được kết quả, gia đình của em T. mới thừa nhận là có cho bé sử dụng loại thuốc này. Bác sĩ Nam chia sẻ thêm:"Em T. có dấu hiệu nấm miệng, nên gia đình có cho em sử dụng thuốc cam do chính gia đình mình bào chế để bôi trong 2 ngày. Tuy nhiên, sau 2 ngày bé xuất hiện biểu hiện hôn mê, gia đình mới đưa bé nhập bệnh viện tỉnh Bắc Giang. Tiếp sau rồi mới chuyển lên viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị".
Điều đặc biệt, gia đình em T. có nghề bốc thuốc cam gia truyền. Nhiều trường hợp từ Nam ra Bắc sử dụng thuốc của gia đình đều khỏi, thậm chí không phát sinh thêm bênh gì. Tuy nhiên, chính T. một thành viên trong gia đình này bị nhiễm độc chì rất nặng.
Theo hồ sơ bệnh án, em T. vượt 10 lần lượng chì có trong cơ thể. Nghi vấn đặt ra, bé T. chỉ bôi thuốc cam trong 2 ngày nhưng lượng chì của em lại vượt ngưỡng gấp 10 lần, trong khi em mới chỉ có 6 tháng tuổi.
Bác sĩ Đào Hữu Nam. |
Bác sĩ Nam lí giải: "Chì không phải chỉ tồn tại trong thuốc cam, mà nó còn có thể có trong sữa mẹ. Trong khi người mẹ đang cho con bú mà sử dụng thuốc cam bị nhiễm chì thì sữa của bà mẹ đó cũng có một lượng chì nhất định trong đó. Và khi con nhỏ bú sữa đó, bản thân các em cũng bị nhiễm độc chì từ sữa mẹ.
Trường hợp của em T. cũng vậy. Vì gia đình sản xuất thuốc cam bị nhiễm chì, nên chắc chắn bà mẹ hay sử dụng loại thuốc gia truyền đó để chữa bệnh. Như vậy, vô tình khiến trẻ bị nhiễm độc chì khi sử dụng sữa mẹ".
Bác sĩ Nam cũng cho hay, tình trạng của em T. vẫn còn nguy kịch và đang tiếp tục điều trị theo phác đồ do bộ Y tế quy định. Vị bác sĩ này đưa ra lời khuyên: "Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc không có nguồn gốc xuất xứ. Khi trẻ bị ốm, gia đình nên tin tưởng đưa trẻ tới các cơ sở y tế được khám chữa bệnh".
Tiểu Lâm
Post a Comment