Lấy người chồng hơn mình 20 tuổi, cuộc đời thử thách chị Ngọc Diệp bằng nhiều khó khăn từ lúc kết hôn đến khi có 3 đứa con trai.

Cách đây 18 năm, chị Ngọc Diệp là cô gái 22 tuổi nhỏ nhắn, dễ thương, làm việc trong một cửa hàng ăn của Nhật tại quận 1, TP HCM. Vì gia đình phá sản, chật vật mãi chị mới học hết cấp 3 do không có tiền đóng học phí, mối quan tâm của chị lúc đó chỉ là có một việc làm ổn định, mang tiền về giúp đỡ mẹ cha. 

Chị quen chồng mình, anh Daniel (sinh năm 1956) khi anh đến cửa hàng chị dùng bữa trong chuyến du lịch tới Việt Nam. Hai người tiếp tục liên lạc với nhau 3 năm sau đó nhờ những bức thư tay và fax. Thời đó gửi fax là nhanh nhất nhưng cũng khá tốn tiền. Nhờ có ông chủ tử tế nên chị Diệp giữ được mối liên lạc với người đàn ông hơn mình 20 tuổi từ nước Bỉ xa xôi. 

15-nam-trac-tro-lam-dau-xu-nguoi-cua-ba-me-viet-ba-con

Chị Diệp cùng chồng (bên phải) và anh chị chồng hồi mới sang Bỉ.

"Tôi còn nhớ rất rõ lá thư cuối cùng tôi viết cho anh, tôi viết ước gì sẽ được gặp lại anh một lần nữa. Tôi chỉ nói bâng quơ nhưng không ngờ anh lại biến điều đó thành sự thật. Những ngày cuối năm 1999 anh bay sang Việt Nam để gặp tôi. Tôi đã dẫn anh đi thăm thú tất cả những nơi chùa chiền nổi tiếng ở Sài Gòn. Khi chúng tôi ngồi bên nhau trong công viên Đầm Sen, anh nhẹ nhàng choàng tay qua eo và ôm tôi vào lòng. Lần đầu anh chia sẻ chuyện từng sống chung khá lâu với một người bạn gái lớn tuổi hơn và đã chia tay cũng được 8 năm rồi. Tôi bắt đầu chột dạ, bởi tôi chưa từng yêu ai, anh là người đầu tiên tôi đi chơi cùng", chị Diệp tâm sự. 

Mang nhiều nỗi lo lắng, chị về kể toàn bộ chuyện với mẹ. Chị còn nhớ mẹ nói rằng quá khứ không quan trọng, nếu người đó thực sự quan tâm và yêu thương mình không nên để ý đến chuyện đã qua. Nhờ lời khuyên của mẹ, chị tự tin hơn với tình yêu của mình với người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi.

Giữa tháng 3/2001, hai người tổ chức đám cưới ở Việt Nam. Dù đã là vợ chồng nhưng chị Diệp khi đó vẫn không muốn trao cho anh "cái ngàn vàng". Chị sợ nếu có chuyện gì xảy ra chị sẽ bị tổn thương rất nhiều. Anh Daniel cũng hiểu và tôn trọng vợ mình về chuyện đó.

Sau khoảng một tháng làm đám cưới ở Việt Nam, chị sang Bỉ để kết hôn chính thức với chồng vào ngày 14/4/2001. Đang lâng lâng hạnh phúc nhận lời chúc tụng của mọi người, một người cháu ruột của anh Daniel bất ngờ đến bên chị và nói một câu khiến chị choáng váng: "Cô kết hôn với chú Daniel vì tiền chứ đâu phải vì yêu".

Bất ngờ khi bị nói như vậy nhưng chị Diệp bình tĩnh đáp lại rằng cháu dần dần sẽ hiểu được con người cô, đừng vội vàng đánh giá. Chị biết một số người trong gia đình cũng nghĩ chị như vậy, vì khi đó anh đang là trợ lý cho Bộ trưởng Giao thông vận tải ở Bỉ, còn chị chỉ là cô gái nghèo nhỏ bé từ Việt Nam. Khi quen anh, chị không hề biết anh làm chức vụ gì cho đến khi gần kết hôn. Chị tự nhủ sẽ chứng minh cho mọi người thấy chị thực sự đến với anh vì tình yêu, chứ không vì bất cứ điều gì khác.

Người cháu nghe xong quay lưng bỏ đi, chị tưởng đã bình yên, nào ngờ cô bạn gái cũ người Hàn Quốc của anh Daniel cũng đến chúc mừng và tặng chị một bộ dao, món quà được coi là kiêng kị trong ngày cưới.

"Cô ấy còn cảnh báo với tôi là anh Daniel không ga lăng và sống rất chi li. Tôi lịch sự cám ơn lời khuyên của cô ấy nhưng nói lại rằng không nhất thiết phải nói thẳng với tôi như vậy, vì dù sao hôm nay cũng là ngày cưới của tôi. Tôi hiểu chồng mình và không hối hận vì kết hôn với anh", chị Diệp kể lại.

Cô đơn ở đất nước xa lạ, chị thèm được cảm giác ấm áp ở bên gia đình mình nhưng mối quan hệ của chị với mẹ chồng cũng không được tốt. Bà là người phụ nữ Bỉ truyền thống nên cũng muốn chị theo một hình mẫu như vậy: Nhà cửa sạch bong, sống phải tiết kiệm, phụ nữ ở nhà chăm lo cho gia đình… Bà còn không muốn chị sinh con vì sợ chồng chị vất vả. Anh Daniel khi đó đã 45 tuổi. Chị vâng dạ lắng nghe nhưng bản thân tự nhủ, sẽ tiếp thu những điều hợp lý còn sẽ vẫn hành động theo suy nghĩ của mình, đặc biệt là chuyện sinh con. 

Biết vợ suy nghĩ nhiều, lại sống ở nơi ngoại ô buồn bã, 3 tháng sau đó, anh Daniel chuyển nhà vào trong thủ đô Brussel nhộn nhịp khiến chị vui vẻ, phấn chấn hơn hẳn. Anh cũng cố gắng thu xếp công việc và đưa vợ đi nước này, nước nọ để mở rộng tầm mắt. Biết vợ nhớ nhà, cứ 2 năm anh lại đưa chị về Việt Nam thăm gia đình một lần, mỗi lần khoảng 2 đến 3 tuần.

15-nam-trac-tro-lam-dau-xu-nguoi-cua-ba-me-viet-ba-con-1

Chị Diệp hạnh phúc bên chồng.

Năm 2003, chị sinh bé trai đầu lòng Tim Vinh. Khi con trai được 1 tuổi, chị đăng ký học khóa huấn luyện nuôi dạy trẻ và mất hơn 3 năm học tập, thi cử rất vất vả để lấy chứng chỉ này. Sau đó, chị may mắn có một công việc ở trường mẫu giáo cho đến nay. Lương lậu không đáng bao nhiêu nhưng chị vui và hạnh phúc vì chính những đồng tiền mình kiếm ra, thay vì sống phụ thuộc vào chồng. Công việc ổn định, chị tiếp tục sinh hai con trai Daan Quang và Stijn Minh vào năm 2008 và 2011.

Vừa đi làm, vừa một tay chăm sóc ba con khiến chị tất bật cả ngày. Chồng chị khá vụng về khi chăm con hay làm việc nhà vì anh là con út trong một gia đình có ông bố làm được mọi thứ nên không phải đụng vào bất cứ việc gì. Thế là từ đường ống nước hỏng, ổ điện hư... chị Diệp phải tự mình giải quyết. Chị chỉ thuê thợ khi không thể làm nổi vì tiền công rất đắt. Chính cuộc sống nghèo khó, lăn lội đủ nghề khi ở Việt Nam đã tạo cho chị bản lĩnh không ngại khó, ngại khổ việc gì. Tất bật là thế nhưng chị vẫn hạnh phúc, niềm vui của chị là nụ cười của chồng con, là những lời khen của sếp anh về những bữa cơm ngon chị nấu khi khách đến chơi nhà...

Chồng chị hiện giờ là một quan chức cấp cao trong nhà nước nên công việc rất bận rộn, thường xuyên xa nhà, mọi việc chị phải tự lo liệu. Mọi người ở đây quá quen thuộc với hình ảnh một cô gái Việt nhỏ nhắn, cao chưa đầy 1,45m hối hả đạp xe ngược xuôi đưa các con đi học, chất đầy đồ lên chiếc xe đạp cũ. Nhà chị không có xe hơi vì chồng chị mắt kém, anh lại là người hưởng ứng phong trào cán bộ nhà nước đi lại bằng phương tiện công cộng nên không mua xe. Mặc dù là một quan chức cấp cao, hàng ngày anh vẫn đi làm bằng tàu điện ngầm.

15-nam-trac-tro-lam-dau-xu-nguoi-cua-ba-me-viet-ba-con-2

Ba con trai nhà chị Diệp đáng yêu trong bộ trang phục áo dài truyến thống Việt Nam.

Chứng kiến cô con dâu một tay chăm lo các cháu, quán xuyến chuyện nhà cửa, mẹ chồng chị dần dần có cảm tình hơn với chị, thay vì thờ ơ như trước. Hai người nói chuyện với nhau nhiều hơn, ông bà cũng hay gửi quà cho anh chị và ba cháu. Những người trong gia đình lúc đầu không có thiện cảm với chị đã trở nên thân thiết hơn nhiều.

Dù sống ở Bỉ, chị Diệp vẫn luôn ý thức dạy cho con các truyền thống văn hóa Việt Nam. Tên của các con chị cũng cố đưa thêm cả tiếng Việt vào. Những ngày lễ tết, chị vẫn cho 3 bé mặc áo dài, mua đồ chơi truyền thống mang từ Việt Nam sang, hay nấu các món ăn Việt...

"Tôi đã vượt qua nhiều rào cản để có cuộc sống như bây giờ. Tôi chỉ biết cố gắng tận hưởng hạnh phúc nho nhỏ ngày hôm nay. Còn ngày mai thế nào thì cứ để nó diễn ra như thế. Nhiều người nói rằng lấy chồng Tây là sướng, nhưng tôi nghĩ sướng hay khổ còn do chính bản thân mình, nếu bản thân không cố gắng, không nỗ lực thì không thể giữ được hạnh phúc", chị Diệp tâm sự.

Tuệ Minh

Post a Comment

 
Top