Những năm tháng xa nhau, tiền điện thoại của hai đứa quá tốn, đến nỗi chỉ cần tiết kiệm thêm một chút là mua được nhà và xe.
Mỹ và Châu là đôi đồng tính nữ đã yêu nhau 33 năm, một sống ở Việt Nam, một sống ở Canada. Sau hơn 30 xa cách, đấu tranh với định kiến xã hội và chống đối từ gia đình, họ đã đoàn tụ bên nhau và lên đường sang Canada từ ngày 20/2/2016. Cặp uyên ương mong muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình để động viên các bạn đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) có thêm nghị lực và tự hào sống là chính mình, đồng thời kêu gọi những những LGBT lớn tuổi hãy dũng cảm công khai để thay đổi thái độ xã hội:
Tôi tên Mỹ, 47 tuổi. Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo khó với 12 anh chị em. Ba mẹ tôi bán cháo huyết để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.
Châu cũng sinh ra ở Sài Gòn, kém tôi 2 tuổi. Ba mất sớm, năm 1982, Châu theo mẹ dọn tới sống cùng với bà ngoại, cách nhà tôi khoảng chục căn trong con hẻm nhỏ ở phường Cô Giang, quận một, TP HCM.
Lần đầu tiên gặp Châu, tôi bị lôi cuốn vào dáng điệu nhẹ nhàng, cách ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ của em. Nhưng suốt mấy tháng, tôi chẳng dám nói chuyện bởi mỗi lần nhìn em, tôi lại thấy run đến quên cả những gì định nói. Mãi sau, tôi mới đánh bạo đề nghị giúp Châu một tay dọn dẹp mỗi chiều khi em phụ mẹ bán hủ tíu, bánh canh.
Dần dần, tình bạn chúng tôi đã trở thành một mối quan hệ thân thiết đặc biệt. Bất cứ lúc nào rảnh, chúng tôi lại gặp nhau. Sự san sẻ, yêu thương của tôi đã chạm vào trái tim Châu và em nhận ra mình đã yêu tôi. Em cũng đã đáp lại tôi bằng tình yêu chân thành. Tôi thích thì thầm cho em nghe, hôn lên tay, lên má và lên đôi môi của em.
Máy và băng ghi âm Mỹ gửi cho Châu trong khoảng 2004 - 2010. Ảnh: iSEE cung cấp. |
Khi tình cảm hai đứa dành cho nhau đã đậm sâu thì cũng là lúc tôi phải cùng gia đình sang Canada định cư vào tháng 10/1984. Ban đầu, chúng tôi nghĩ khoảng cách sẽ dần xóa nhòa, thậm chí khiến chúng tôi quên luôn thứ tình cảm cùng giới này, nhưng không phải vậy.
Từ năm 1985 tới 1989, chúng tôi liên lạc với nhau qua thư viết tay và gửi qua bưu điện. Thời đó, mỗi lá thư mất 4-6 tuần mới đến được tay người nhận. Từ năm 1990, chúng tôi vẫn viết thư tay, cộng thêm gọi điện thoại 2-3 lần mỗi năm, mỗi lần trò chuyện 20-30 phút. Những lời tâm tình khiến chúng tôi thấy gần gũi nhau hơn và tình yêu càng sâu đậm.
Tháng 6/1993, em gửi cho tôi một lá thư buồn, nói rằng muốn chấm dứt tình cảm. Nhưng, một tháng sau, tôi lại nhận được một lá thư xin lỗi. Em nhận ra không thể sống thiếu tôi, trái tim em đã luôn thuộc về tôi. Tôi hiểu sự băn khoăn và lo sợ của Châu, vì em phải sống đơn độc ở Việt Nam, đối mặt với thái độ chống đối của xã hội nơi mình đang ở.
Tôi đã tìm hiểu về luật tịch và di trú Canada nhưng không có quy định nào cho phép công dân Canada bảo lãnh bạn đời cùng giới định cư cả. Tôi nói với Châu rằng việc bảo lãnh em sang Canada là không thể. Chúng tôi rơi vào tuyệt vọng.
Tình cờ lúc đó cả hai đều đang có người đàn ông khác theo đuổi. Một doanh nhân thông minh, thành đạt theo đuổi Châu. Phía tôi cũng vậy. Chúng tôi từng nghĩ liệu mình có nên làm cho cha mẹ vui lòng bằng việc lấy chồng? Chúng tôi đồng ý sẽ chấm dứt liên lạc với nhau.
Lý trí mách bảo chúng tôi bắt đầu một cuộc đời mới, nhưng con tim thì luôn thổn thức, khổ sở. Châu lịch sự từ chối những cử chỉ quan tâm, thân mật từ người đàn ông kia. Thẳm sâu, những lời nói yêu thương đều dẫn tới kỷ niệm về tôi, những cử chỉ thân mật, cái chạm nhẹ nhàng của người ấy đều gợi nhớ đến tôi. Châu trở nên bối rối và chán nản. Phía tôi cũng vậy. Tôi chỉ có thể xem đàn ông là bạn. Tôi chủ động viết thư lại cho Châu.
Sau thử thách lớn nhất đó, cả hai nhận ra chúng tôi không thể chối bỏ tình cảm đồng giới của mình, rằng chúng tôi yêu nhau và thuộc về nhau. Tình yêu trỗi dậy càng mãnh liệt, sâu sắc hơn.
Từ 1999 tới 2001, chúng tôi vẫn viết thư tay và gọi điện 2-5 lần mỗi tháng. Hai năm sau đó, cả hai ít viết thư mà gọi điện nhiều hơn. Từ năm 2005, chúng tôi gọi điện cho nhau mỗi ngày. Tôi gọi cho Châu ba lần một ngày, tổng cộng khoảng 2-3 tiếng, chi phí điện thoại tăng chóng mặt. Tôi và Châu cùng tính rằng hai đứa tốn quá nhiều tiền, đến nỗi chỉ cần thêm một chút tiết kiệm là có thể mua được nhà và xe, trong khi ở Canada tôi vẫn ở nhà thuê và đi lại bằng xe buýt. Vậy là, tôi mua máy ghi âm, thâu lại tâm sự hàng ngày rồi gửi về Việt Nam cho Châu nghe. Mỗi tối Châu đều phải nghe ít nhất một băng mới ngủ yên được.
Châu và Mỹ hạnh phúc trong ngày cưới tại Việt Nam vào tháng 2/2015. |
Nhiều thứ cũng thay đổi theo thời gian. Từ năm 2006, tôi hay nói chuyện với Châu về việc hôn nhân cùng giới đã được chấp nhận ở Canada. Chúng tôi nhất trí là sẽ công khai, chấm dứt những bí mật và vượt qua sự gò bó trước nay phải chịu đựng.
Có khoảng thời gian, tôi bàn với Châu về ý định bỏ hết mọi thứ ở Canada và quay về sống với em tại Việt Nam. Tôi nói với em về kế hoạch thuê một căn hộ để chung sống, nhưng Châu không thể làm vậy vì mẹ em sống hoàn toàn phụ thuộc vào em. Hơn nữa việc tôi về sống với Châu cũng đồng nghĩa với việc em phải công khai. Em rất lo sợ điều này sẽ khiến mẹ ngăn cản quyết liệt.
Bên cạnh đó, tôi cũng đã hứa với người cha quá cố rằng tôi sẽ chăm sóc mẹ, lúc đó đã hơn 80 tuổi. Tôi sợ hương hồn của ông sẽ không được yên nghỉ nếu biết tôi không giữ lời hứa ấy.
Châu và tôi đều bị giằng xé giữa tình yêu của đời mình và bổn phận làm con phải tôn trọng và báo hiếu mẹ. Thế hệ của chúng tôi được dạy rằng phận làm con phải tuyệt đối kính trọng và nghe lời cha mẹ mình.
Cuối cùng chúng tôi quyết định nói cho hai người mẹ biết. Khi Châu thừa nhận với mẹ mình về tình yêu 23 năm qua với tôi, bà đã sốc, hoảng sợ, tuyệt vọng, giận dữ và kiên quyết phản đối. Bà khóc cả ngày, không ăn, không ngủ, xấu hổ không dám giao tiếp với ai. Rồi tất cả chuyển thành sự tức giận đổ lên đầu Châu bằng những câu chửi khó nghe.
Tôi đồng ý sẽ chờ em thực hiện tâm nguyện chăm sóc mẹ cho đến khi bà qua đời. Những năm 2006-2008 là khoảng thời gian khó khăn nhất. Cứ cách một ngày mẹ Châu lại mắng chửi em một lần. Bà bảo tôi và em không phải là con người, rằng chúng tôi bị thần kinh, đồi bại, vô đạo đức... Bà theo dõi mọi hành động của Châu, tỏ ra khó chịu mỗi khi tôi gọi điện về cho em. Bà đóng sầm cửa, đập đồ ầm ĩ lên bàn ăn, kéo lê các vật dụng trong nhà. Châu chỉ khóc và cầu nguyện thời gian sẽ làm dịu nỗi đau của mẹ và bà sẽ chấp nhận chúng tôi trong tương lai. Từ ngày đó, em luôn đặt điện thoại ở chế độ rung và mỗi khi nói chuyện, chúng tôi chỉ dám thì thầm.
Tháng 5/2008, biết Châu bị trầm cảm nặng và có ý định tự sát, tôi đã bất chấp tất cả, về Việt Nam gặp em. Chúng tôi đã hôn nhau trong lúc nước mắt tuôn tràn trên má. Sau hôm tôi về một ngày, Châu tới khách sạn tìm tôi với nụ cười rạng rỡ. Em nói mẹ kêu tôi về ở nhà mình ở. Em hạnh phúc vì nghĩ mẹ đã chấp nhận và tha thứ cho chúng tôi, còn tôi vẫn rất hồi hộp.
Khi gặp mẹ Châu, tôi đã ngồi bệt dưới sàn, ôm lấy bà, hỏi han sức khỏe và xin bà tha thứ: "Con thật sự yêu thương con gái dì với tất cả trái tim và con sẽ luôn đối tốt với em. Con sẽ luôn chăm sóc tốt cho Châu cho đến cuối đời. Xin dì Hai hãy tha thứ cho con".
Suốt 3 tiếng trò chuyện, tôi đã kể với bà về cha mẹ và những thành viên trong gia đình mình, về quá khứ và công việc của tôi ở Canada, về thái độ với người đồng tính, song tính và chuyển giới đang dần được cải thiện trên thế giới thế nào... Bà bắt tôi không được để ai biết về chuyện tình cảm này, kể cả mẹ tôi, nếu không, bà sẽ chui xuống đất và trốn mãi dưới đó. Tôi hứa sẽ giữ im lặng.
Một tuần đầu tôi ở nhà Châu khá suôn sẻ, mọi người đều vui vẻ nhưng sau đó, mẹ Châu bắt đầu lẩn tránh khi tôi nói chuyện với bà. Đến ngày tôi phải về Canada, bà cũng từ chối khi tôi muốn ôm, chỉ đáp trả bằng một nụ cười nhạt.
Hai lần sau tôi về thăm Châu vào Tết 2009 và 2010, thái độ của mẹ Châu cũng y như vậy. Sau khi công khai với mẹ, gia đình và bạn bè, Châu bắt đầu thoải mái thể hiện tình yêu với tôi hơn. Nhưng điều đó lại khiến mẹ em tức giận. Bà nói, càng thấy chúng tôi hạnh phúc, tự do, bà lại càng cảm thấy mệt mỏi.
Giữa năm 2010, Châu lại có ý định tự tử, nhưng sau đó em bình tĩnh lại và đã trò chuyện nói hết nỗi lòng mình với mẹ, rằng nếu việc Châu ở cùng nhà khiến bà buồn bực và nhục nhã thì em sẽ ra ngoài. Sau chuyện này, tình cảm hai mẹ con em dần cải thiện.
Năm 2011, mọi chuyện tốt hơn lên, mẹ em cũng không còn la mắng nhiều như trước. Tôi vẫn về thăm Châu và gia đình mỗi dịp Tết.
Sức khỏe của mẹ em kém đi nhanh vào năm 2012 và thường phải nhập viện khám. Cho tới hơi thở cuối cùng của bà, Châu vẫn chưa biết được liệu mẹ đã tha thứ cho em và có hoàn toàn chấp nhận tình yêu của chúng tôi hay không. Dẫu sao, với chúng tôi thì sự thừa nhận của mẹ em vẫn rất quan trọng.
Về phần mình, năm 2014, tôi đã công khai với gia đình và nói về dự định tổ chức đám cưới với Châu. Hầu hết mọi người đều ủng hộ, chúc phúc cho tôi. Giờ đây, Châu và tôi đã sẵn sàng và tôi cần đưa em sang Canada để có cuộc sống bên nhau. Đây không chỉ là khởi đầu cuộc sống mới với Châu, mà còn với cả tôi. Một cuộc sống tự do và bình đẳng.
Mỹ - Châu
Post a Comment