Cuộc sống tiến bộ khiến cha mẹ dành nhiều thời gian cho con hơn, song lại tiêu tốn chủ yếu vào thì giờ xem tivi, chơi iPad, chăm lo bữa ăn hoặc hỏi han chuyện học hành ở trường... mà thiếu chú trọng đến việc hoạt động thể chất cùng nhau.
Nghiên cứu công bố mới đây của Viện Nhi khoa Mỹ trên 1.000 gia đình có con 3-11 tuổi cho thấy, thời gian cha mẹ chăm sóc con đã tăng lên đáng kể từ năm 1965 đến 2014. Trong gần 5 thập kỷ qua, thời gian các bố dành cho bé tăng gấp 3 lần - từ 2,6 lên 7,2 giờ mỗi tuần. Hơn ai hết, mẹ vẫn là người quan tâm săn sóc trẻ nhiều nhất với 13,7 tiếng mỗi tuần.
Tuy nhiên, 48% ông bố và 23% bà mẹ vẫn cảm thấy có lỗi vì dành quá ít thời gian cho con cái. 50% cặp vợ chồng cảm thấy khó khăn để cân bằng trách nhiệm công việc với nghĩa vụ gia đình. Khoảng 34% bố và 40% mẹ luôn cảm thấy cuộc sống thường ngày quá vội vã và thiếu thốn thì giờ.
Mặc dù thời gian cha mẹ bên con tăng về lượng, song lại giảm về chất. Nhiều phụ huynh Mỹ cho biết, phần lớn thì giờ họ dùng để xem tivi, chơi iPad với con, chăm lo bữa ăn hoặc hỏi han chuyện học tập ở trường... Thời gian các bà mẹ trò chuyện với bé đã tăng từ 41% lên 71% trong suốt giai đoạn 1965-2014. Tuy nhiên, Phần lớn cha mẹ thừa nhận họ bỏ bẵng thời gian vui chơi và vận động cùng bé.
Một khảo sát độc lập của Tiến sĩ Jenny S. Radesky, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế Boston (Mỹ) trên 55 gia đình đến cửa hàng thức ăn nhanh cũng cho thấy, 40 người lớn lập tức lấy ra điện thoại di động ra sử dụng chúng trong suốt bữa ăn. Thay vì đến công viên hoặc sân bóng vui chơi giải trí, nhiều phụ huynh chọn các địa điểm ăn uống để tiêu đốt thời gian với con dịp cuối tuần.
Cùng nhau vui chơi và vận động giúp cả nhà khỏe mạnh và tình cảm gia đình gắn kết hơn. |
Thiếu thời gian vận động với bé cũng là vấn đề chung của cha mẹ Việt. Để con khỏe mạnh, nhiều phụ huynh thuộc lòng nguyên tắc bữa ăn đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất, nhưng lại không nhớ nguyên tắc quan trọng thứ hai là dành thời gian chơi đùa và vận động cùng bé thường xuyên.
Sinh con đầu lòng ở tuổi 30, gia đình chị Minh Thương (36 tuổi, Hà Nội) chăm con chu đáo và giữ gìn cẩn thận. Công việc bận rộn, phần lớn thời gian cả nhà bên nhau là buổi sáng trước khi đến trường, buổi tối sau khi làm về và ngày cuối tuần rảnh rỗi. Thế nhưng, thay vì tranh thủ thì giờ ít ỏi để cả nhà cùng nhau dậy sớm tập thể dục hay dạo bộ công viên, gia đình lại để mặc bé Tũn dán mắt vào màn hình tivi cùng mẹ hoặc chăm chú chơi game với bố. Được chăm bẵm dinh dưỡng quá mức song bỏ bê vận động, bé Tũn mặc dù trắng trẻo mũm mĩm nhưng lại thiếu sự rắn rỏi, khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Lý giải về thực tế này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, nhiều phụ huynh quan niệm chỉ cần mang lại cho cuộc sống đầy đủ vật chất, những món đồ chơi đắt tiền, máy tính bảng hiện đại, bữa ăn giàu dưỡng chất hay trường học tốt nhất... là đủ. Cha mẹ cần hiểu rằng thời gian cả gia đình cùng nhau vui chơi, vận động cũng quan trọng không kém.
Cha mẹ có thể tận dụng thời gian cả nhà vận động để quan sát và trò chuyện thêm với con, qua đó hiểu hơn sở thích và năng khiếu của bé để có cách khuyến khích tập môn thể thao phù hợp. Nhờ vậy, bé sẽ có thêm một khoảng thời gian chất lượng bên gia đình để phát triển toàn diện về sức khỏe, kỹ năng, tính cách và đời sống tinh thần. Quan trọng hơn cả, cùng nhau vận động sẽ giúp gắn kết tình cảm gia đình thêm thân thiết, vun đắp những ký ức đẹp tuổi thơ cho bé khi lớn khôn.
Thời gian gia đình vui chơi, vận động cùng nhau ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ. |
Thạc sĩ tâm lý Diệu Anh tư vấn, lý tưởng nhất là cha mẹ dành khoảng 2 tiếng mỗi ngày để cùng bé tập luyện thể thao, chơi các môn đối kháng (cầu lông, bóng đá...) hoặc cá nhân (bơi lội, múa balê, chạy bền, đạp xe, patin...). Nếu quỹ thì giờ eo hẹp hơn, cha mẹ có thể rủ bé làm việc nhà, chơi các trò đơn giản (trốn tìm, rượt bắt...) hoặc dành 20 phút buổi sớm để dạo bộ công viên và tập thể dục cùng nhau. “Cùng nhau vận động không chỉ giúp các thành viên khỏe mạnh, mà còn tăng cường sự gắn kết bền chặt của gia đình”, Thạc sĩ Diệu Anh nhấn mạnh.
An San
Post a Comment