Ăn lúc đói bao giờ cũng ngon hơn rất nhiều so với khi no và vận động là con đường duy nhất dẫn đến đói.
Nếu bạn thừa nhận rằng ăn là bản năng và điều con người cần là thưởng thức bữa ăn chứ không phải là được “cho ăn”. Nếu bạn nhận ra mình đã sai trong việc cho con ăn và quyết tâm muốn sửa lại sai lầm thì tôi xin được chia sẻ với bạn:
1. Thay đổi cách nhìn:
– Luôn ghi nhớ rằng: “Không phải là ăn cái gì mà ăn như thế nào, ăn với ai, ăn trong trạng thái cảm xúc nào mới là quan trọng”. Mọi thứ bổ béo bạn cố gắng đưa vào ruột con trong trạng thái đứa trẻ bị bắt ép không chỉ khiến em bé thêm nặng bụng, mà còn khiến cơ thể phải làm việc vất vả, năng lượng dùng để xử lý thức ăn nhiều hơn là để dồn cho trí não.
– Hãy tin rằng: Cơ thể chúng ta biết nó cần gì. Em bé thậm chí còn có khả năng lắng nghe cơ thể mình tốt hơn chúng ta nhiều. Đương nhiên, có một số thứ “không tốt sức khỏe” dễ khiến em bé bị nghiện như chất ngọt, chocolate, sữa, nước ngọt, chất tạo vị cân bằng trong bim bim, cracker… thì bạn phải loại nó ra từ đầu.
con ăn– Một miếng khi đói bằng một gói khi no: Ăn lúc đói bao giờ cũng ngon hơn rất nhiều so với khi no và vận động là con đường duy nhất dẫn đến đói. Vận động có thể ở dạng tay chân, có thể ở dạng trí óc. Nếu đến bữa mà con bạn chưa đói thì có nghĩa là em chưa vận động đủ hoặc đã được cho ăn vặt trước đó hoặc các bữa ăn quá gần nhau. Bỏ một bữa ăn bởi bụng vẫn còn no chả có tác hại gì nên đừng cố ép con phải ăn khi đến bữa.- Luôn nhớ em bé cần học qua việc bắt chước: Em cần ăn cùng người lớn hơn, trong không khí vui vẻ để học được cách ăn. Bữa ăn là những giây phút chia sẻ tình cảm, là giây phút để học vô vàn thứ: ngôn ngữ, toán học, hóa học, địa lý, lịch sử,… nếu bạn muốn dạy con học thì tha hồ học ngay trong bữa ăn.
– Ăn lửng bụng luôn tốt hơn ăn no căng bụng: Số lượng thức ăn vào bụng quá nhiều chỉ làm cho cơ thể thêm mệt mỏi vì phải dùng quá nhiều năng lượng cho việc tiêu hóa. Những chất thừa so với nhu cầu khi không được đào thải ra còn là nguồn gốc gây bệnh tật. Hãy tập lại thói quen ăn lưng lửng, dừng ăn trước khi no.
– Nhai kỹ, chậm rãi cảm nhận các vị của món ăn là bí quyết cho sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
2. Hành động cụ thể
– Nếu con bạn đang còn bú mẹ. Chúc mừng bạn vì việc điều chỉnh dễ dàng hơn rất nhiều. Hãy bắt đầu bằng việc chọn một nơi yên bình, cố định để cho con bú. Khi cho con bú thì tập trung toàn bộ ý nghĩa và cảm xúc vui vẻ vào con, giúp con bú một mạch đến no thì thôi.
Nếu em bé đã bị “nhiễm” thói quen bú nửa chừng bỏ thì hãy giúp con quay lại bú đủ no trong một phòng kín và thư giãn. Không có ai, không có đồ gì xung quanh và mẹ hoàn toàn tập trung với con. Canh cữ bú của con và kéo dài dần khoảng cách thời gian giữa các cữ bú.
Bạn cũng nên dừng thói quen cứ thấy con khóc là cho bú hay muốn con ngủ là cho bú. Bú cũng là thời gian tuyệt vời để giúp con học ngôn ngữ. Hãy tận dụng thời gian quý giá này để nói chuyện với con.
– Nếu con bạn đang ăn dặm: Hãy dẹp bỏ món cháo hổ lốn hay các loại nước sinh tố, nước ép trái cây mà bạn vẫn ép con ăn uống hàng ngày. Cũng không cần phải làm những món ăn dặm kiểu Nhật cầu kỳ, mất nhiều thời gian và tiền bạc. Bạn chỉ đơn giản là hấp các loại rau, củ, thịt, cơm riêng từng thứ một, cắt hoa quả thành các miếng nhỏ vừa miệng em bé và mỗi bữa giới thiệu cho con một vài món. Trân trọng nói tên từng món, để con tự bốc ăn nếu chưa có khả năng cầm thìa hay dĩa, cùng ăn với con và cho con thấy cảm nhận thú vị của bạn về món ăn.
– Nếu con bạn đã qua một tuổi, không thể ăn tập trung, không thể ăn hay từ chối ăn một số món thông thường:
Đầu tiên, hãy mạnh dạn cất các loại bánh kẹo, sữa, nước uống công nghiệp và tất cả các đồ ăn vặt khuất tầm mắt của em bé với quy định rõ ràng một tuần chỉ được ăn một lượng nhất định là bao nhiêu. Hoặc nếu bạn quyết tâm hơn thì bỏ hết những thứ đó đi.
Thứ hai, khi ăn không làm gì khác ngoài ăn và giao lưu với người ăn cùng. Tắt tivi, dẹp bỏ điện thoại, máy tính bảng, đồ chơi khỏi bàn ăn và không gian ăn. Hãy trang trí bàn ăn đẹp nhất mức có thể. Bạn hoàn toàn có thể thưởng thức các bữa ăn tại nhà giống như ở nhà hàng. Các em bé rất thích đóng kịch và có khả năng nhập vai tuyệt vời. Hãy đóng kịch cùng con và kể những câu chuyện liên quan tới thức ăn và cách các dân tộc trên thế giới ăn.
Thứ 3, thưởng thức thành quả lao động của mình luôn cho con người cảm giác sung sướng hơn. Hãy cho con tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn cùng bạn. Từ việc tự bốc thức ăn cho vào miệng, bóc vỏ một loại quả cho đến việc rửa củ, quả, nhặt rau, đi chợ cùng bố mẹ…
Nếu con bạn đã qua ba tuổi, hãy giới thiệu cho con về giá trị của các món ăn dưới dạng văn hóa và tài chính. Khi con qua sáu tuổi hay bắt đầu có tư duy về số học, hãy giao cho con quản lý những thứ con được ăn dưới dạng tiền. Đặc biệt là những món ngon miệng nhưng ít có lợi cho sức khỏe như: bánh kẹo, nước ngọt. Một tuần con chỉ có một số lượng tiền nhất định để tiêu cho những thứ đó, tiêu hết thì thôi. Việc đó sẽ tránh cho bạn phải “chiến đấu” với những đòi hỏi của con mỗi lần đi siêu thị.
Điều cuối cùng là bạn cần kiên quyết: Tôn trọng quyết định ăn của con, đồng thời giữ quy định: chỉ ăn theo bữa, không ăn ngoài bữa. Ngoài bữa thì trong nhà cũng chả có gì để ăn cả. Hãy để con bạn biết đến mối liên hệ nhân – quả của việc không ăn đủ vào đúng bữa. Biết đến cảm giác đói thì con mới biết đến cảm giác ngon và giá trị của bữa ăn.
Thảo luận tại diễn đàn: Bí quyết để con ăn bữa nào cũng ngon
Bình luận với Facebook
Bình luận
Post a Comment