Nguyễn Hương Giang, 25 tuổi, công tác trong một công ty sản xuất nội thất xuất khẩu ở Biên Hòa, Đồng Nai bắt đầu thực hành lối sống tối giản và không rác thải từ năm 2017. Nhờ những lợi ích thu được từ việc giảm bớt đồ đạc sở hữu, lối sống mới của Giang được chồng ủng hộ nhiệt tình. Dưới đây là chia sẻ của cô:

Vợ chồng tôi sống trong một ngôi nhà kiểu cũ có 3 phòng chức năng và một sân rộng. Chúng tôi chỉ có 2 người và cũng chỉ có những nhu cầu cơ bản. Vậy mà lại sở hữu đến 3 bộ chén bát, 5 bộ cốc chén được tặng, nhiều dụng cụ làm bếp và các sản phẩm đa dạng để sử dụng cho lau chùi dọn dẹp... Khi được tặng hoặc mua về, tôi cứ nghĩ mình sẽ có thể dùng đến sau này, phòng khi nhà có khách đông hay các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, đa phần đồ đạc chưa dùng tới, chỉ nằm đó chiếm chỗ và hút thêm bụi bặm, góp phần tăng công việc lau dọn cho tôi. Vì thế, tôi quyết định chia sẻ hết, mang tặng người thân, hàng xóm, những người lượm ve chai... Lúc chuẩn bị cho đồ đi, tôi cân nhắc và thấy tiếc của ghê gớm, nhưng khi cho rồi, tôi lại cảm nhận được một niềm vui lâng lâng và nhẹ nhõm lắm. Tôi thực hành việc này cho tất cả những đồ đạc trong nhà và chỉ giữ lại những đồ dùng thật sự cần thiết đối với mình.

Hương Giang cho rằng, người trẻ nên đi ra ngoài nhiều hơn, để khám phá bản thân và thay đổi tích cực - Ảnh: NVCC

Hương Giang cho rằng, người trẻ nên đi ra ngoài nhiều hơn, để khám phá bản thân và thay đổi tích cực - Ảnh: NVCC

Tiếp đến là quần áo. Ngày xưa, mỗi lần mở tủ đồ đầy ắp, tôi thường chán nản vì “không có gì để mặc” dù tôi có đủ thể loại màu sắc chất liệu. Tôi bắt đầu thay đổi phong cách: trung thành hơn với một vài màu sắc trung tính: đen, trắng, xám và điểm nhấn bằng màu vàng hợp phong thủy. Tôi là một nhân viên công sở, đi làm mỗi ngày, tôi đã có đồng phục, tôi chỉ cần thêm vài cái áo T shirt, váy ngắn basic năng động hoặc quần jean là đủ dùng. Đôi khi đi tiệc, tôi chọn những chiếc váy ngắn đen phù hợp với mình mà không cần phải đắn đo nhiều. Giữa những người lộng lẫy, một cá nhân sở hữu một phong cách giản dị đôi khi cũng là một cá tính.

Tôi đã giảm bớt được 60% sản phẩm chăm sóc cá nhân của mình. Thay vì có bộ dầu gội - dầu xả, tôi ưa dùng hơn các loại nước thảo mộc như nước bưởi, nước sả. Thay vì dùng sữa tắm nhiều loại, tôi dùng bột cam thảo. Thay vì dùng body lotion, tôi thay thế bằng dầu ô liu. Với da mặt, tôi chỉ trung thành với 3 bước làm sạch-dưỡng ẩm-chống nắng cơ bản mà không cần thêm quá nhiều sản phẩm để đắp trên da mặt mình. May mắn thay, tôi phù hợp với tất cả những sản phẩm từ tự nhiên đó bởi vì cái tôi cần là một làn da đủ khỏe, nếu có một chút khuyết điểm cũng không phải vấn đề gì to tát.

Tôi cũng dần thay thế nước rửa chén bằng bột bồ hòn, baking soda và giấm cho nhà tắm, toilet, lau nhà, lau bếp… Những sản phẩm hữu cơ, trên hết là an toàn, hơn nữa giúp tôi thỏa mãn hơn vì được sống tối giản và không xả rác. Tôi là một người nói không với rác thải chính hiệu. Tôi nói không với túi nilon và các sản phẩm từ nhựa khác.

Khi đồ đạc trong nhà giảm đi, việc dọn nhà trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi có thể dọn mỗi ngày với một khoảng thời gian không nhiều, chỉ 15 phút mỗi sáng. Buổi chiều, sau một ngày làm việc miệt mài, trở về ngôi nhà thoáng đãng, sạch sẽ, tôi cảm nhận rõ niềm hạnh phúc và sự thư thái nơi tổ ấm của mình. Tôi cũng tự tập thói quen ngăn nắp, sau khi lấy đồ dùng xong, tôi không quên đặt đồ vật về đúng vị trí. Trong lúc nấu đồ ăn, tôi dọn dẹp luôn bàn bếp để khi nấu xong, tôi có ngay một căn bếp sạch sẽ như chưa dùng. Vì vậy, tôi luôn có được một căn nhà sạch sáng bóng, mỗi góc nhà đều giản đơn và dễ chịu khi nhìn vào.

Tôi không mua sắm vô tội vạ như trước nữa. Trước đây cứ thấy thích là tôi mua, không cần biết mình có thực sự cần và dùng đến món hàng đó hay không. Để rồi tôi sở hữu một nhà kho đầy đồ đạc mà không có món đồ nào mang lại niềm vui cho mình quá 2 ngày. Giờ đây, trước khi mua một món đồ, tôi luôn cân nhắc liệu mình có thực sự cần chúng hay không, nếu không, tôi sẽ bỏ xuống. Khi có nhiều đồ, tôi thường dùng rất bất cẩn. Ngược lại, khi chỉ giữ lại những món đồ cần thiết nhất, đẹp nhất mà mình có, tôi cẩn thận và trân trọng chúng hơn. Nhờ thế, đồ đạc có dịp phát huy hết những công năng của nó.

Nhờ giảm bớt nhu cầu vật chất, tôi có nhiều thời gian hơn trước. Tôi lên kế hoạch để đi nhiều, làm nhiều, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn thay vì chỉ sở hữu vật chất mà mình thực sự không cần tới. Và đây là những lợi ích của việc thay đổi lối sống mà tôi đã nhận được trong thời gian qua:

1. Tôi có thêm nhiều thời gian để thư giãn và làm những việc yêu thích. Khi cắt giảm 50% đồ đạc trong nhà, tôi giảm được 50% thời gian cho việc dọn dẹp, dành thời gian đó để học tập, thư giãn. Tôi đọc nhiều sách hơn, nghe nhạc nhiều hơn và cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống.

2. Tôi làm việc hiệu quả hơn. Nhờ tối giản công việc của mình, tôi luôn tìm được cách khiến công việc được hoàn thành tốt hơn và nhanh chóng.

3. Không gian rộng hơn giúp tôi gia tăng khả năng sáng tạo. Trước đây tôi lười viết lách đến nỗi chữ nghĩa ngày xưa bay đi hết. Khi sống tối giản, tôi thấy mình được sáng tạo trở lại, tôi mở lại blog và tập chia sẻ lại mỗi ngày cuộc sống của mình. Đây cũng là cách tôi thư giãn và thấy mình cũng có ích hơn.

4. Tôi luôn thấy nhẹ nhõm, thấy mọi thứ trở nên đơn giản để làm, để dấn thân. Từ ngày sống tối giản tôi trở nên dịu dàng hơn trong giao tiếp, và tôi luôn dễ cười vui, dễ biến mọi rắc rối trở nên dễ dàng.

Tôi sống tối giản nhưng không hà tiện. Nếu thật sự yêu thích và không thể thiếu một món đồ đẹp, tôi vẫn sẽ mua. Nhưng dần dần, tôi trở nên yêu cuộc sống đủ mà mình đang có, tôi cần nhiều nhưng là nhiều trí tuệ và trải nghiệm hơn.

Nhiều người hỏi, sống vậy thì đâu cần tiền? Ai sống mà không cần tiền chứ! Trái lại, tôi vẫn luôn cố gắng làm việc thật tốt, để cuộc sống trở nên chất lượng và cao cấp hơn. Nếu tôi thấy không cần quá nhiều tiền để duy trì cuộc sống, tôi sẽ luôn có những sự lựa chọn kiếm tiền khác, để có nhiều trải nghiệm hơn và biết đâu, tôi lại thành công hơn.

Hoàng Anh (ghi)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top