Thông tin từ ông Đào Duy Khánh – Giám đốc sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2018 tới nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, thành phố Kon Tum 3 trường hợp, huyện Đăk Glei 1 trường hợp.
Chia sẻ về các ca bệnh này, ông Khánh cho hay, trường hợp thứ nhất là bệnh nhân A Sai (11 tuổi, ở thành phố Kon Tum). Bệnh nhân bị chó cắn vào khoảng tháng 11/2017. Tuy nhiên, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm vắc-xin phòng dại nên đến ngày 01/01/2018, bệnh nhân khởi phát bệnh dại với các triệu chứng: Kích động, nôn nhiều, sợ gió, sợ nước, không ăn uống được.
Thời điểm đó, còn có 2 bệnh nhân khác cũng bị chó cắn nhưng 2 người này đã đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại và hiện tại không có biểu hiện gì bất thường.
Sau khi bệnh nhân A Sai được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum lúc 11h30 ngày 3/1/2018, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, thỉnh thoảng lên cơn kích động, sợ gió, sợ nước rõ. Bệnh nhân có diễn biến nặng, đến 19h cùng ngày, người nhà xin cho bệnh nhân về. 19h30 phút bệnh nhân tử vong trên đường về nhà.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại là cách tốt nhất hiện nay. (Ảnh minh họa).
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân A Môn (22 tuổi ở thành phố Kon Tum). Ông Khánh cho hay, bệnh nhân A Môn bị chó cắn 2 lần. Lần 1 vào năm 2003, sau khi bị chó cắn bệnh nhân đã tiêm đủ 5 mũi vắc-xin phòng bệnh dại theo phác đồ nên bệnh nhân không bị sao. Khoảng 4 tháng sau khi cắn người, chó cắn cũng bị mang đi giết thịt. Lần 2, bệnh nhân không tiêm chủng vắc-xin phòng dại.
Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 10/2/2018 với các triệu chứng: không ăn uống được, thỉnh thoảng có cơn co cứng toàn thân, sợ gió, sợ nước. Lúc 10h25 ngày 12/2, người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện Đa khoa Kon Tum cấp cứu. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân dại lên cơn, tiên lượng xấu. Đến 22h cùng ngày, người nhà xin cho bệnh nhân về. Bệnh nhân tử vong lúc 11h ngày 13/2 tại nhà.
Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân A Đăng (6 tuổi, huyện Đăk Glei). Bệnh nhân bị chó cắn vào khoảng tháng 12/2017. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không tiêm vắc-xin phòng dại. Ngày 22/3/2018, bệnh khởi phát với các triệu chứng: Đau ở cẳng chân, đau đầu, thỉnh thoảng có cơn co giật, không ăn uống được, sợ gió, sợ nước. Người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu lúc 22h ngày 22/3. Sau quá trình hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân dại lên cơn, tiên lượng xấu. Bệnh nhân tử vong lúc 8h25 ngày 23/3 tại bệnh viện Đa khoa Kon Tum.
Trường hợp thứ 4 là bệnh nhân A Khơ (7 tuổi, thành phố Kon Tum). Bệnh nhân bị chó cắn vào khoảng tháng 1/2018. Chó chưa được tiêm vắc-xin phòng dại và đã được mang đi giết thịt. Bệnh nhân A Khơ sau đó không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Chó còn cắn 3 người khác (2 người trong gia đình và 01 người cùng thôn với bệnh nhân), 3 người này đã đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại và hiện tại không có dấu hiệu gì bất thường.
Bệnh nhân A Khơ khởi phát bệnh ngày 22/3 với các triệu chứng: Sợ gió, sợ nước, bứt rứt. Người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu lúc 20h ngày 22/3. Các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán theo dõi bệnh dại đối với bệnh nhân A Khơ. Tình hình bệnh diễn biến nặng, người nhà xin cho bệnh nhân về vào 14h ngày 24/3. Bệnh nhân tử vong lúc 22h cùng ngày tại nhà.
“Từ năm 2016 tới nay, hàng năm trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, năm 2016 có 01 trường hợp; năm 2017 có 01 trường hợp; trong 3 tháng đầu năm 2018 có 4 trường hợp.
Hầu hết các ca mắc bệnh dại đều ghi nhận ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để đi tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn. 100% số trường hợp mắc bệnh dại đều tử vong do không tiêm phòng vắc-xin và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm”, ông Khánh nói.
Đồng thời, ông Khánh cũng cho biết thêm, hiện nay thời tiết đang vào mùa hè, nguy cơ ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại rất lớn. Thời tiết nắng nóng phù hợp cho sự phát triển của vi-rút dại trên động vật.
Hơn nữa, đa số người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum là người dân tộc thiểu số, phong tục tập quán vẫn còn cổ hủ, khi bị chó, mèo cắn thường tìm tới thầy lang chữa trị, ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống bệnh dại của địa phương.
Ông Khánh đưa ra cảnh báo: “Số người bị phơi nhiễm vi-rút dại trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nguy cơ cao. Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên động vật nuôi còn thấp. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng mũi tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó tại tỉnh Kon Tum chỉ đạt 22,54%; vùng có ca tử vong dại, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó chỉ đạt 58,66%”.
Từ thực tế xảy ra trên địa bàn về bệnh dại, ông Khánh chỉ ra, thời gian tới, cần tăng cường truyền thông phòng chống bệnh dại; lập kế hoạch phòng chống bệnh dại khẩn cấp trên địa bàn tỉnh bên cạnh những hoạt động đã triển khai được. Ngành y tế tỉnh Kon Tum đang vận động tất cả các trường hợp bị chó, mèo cắn trong 3 năm gần đây tới các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc-xin. Đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo hoặc đối tượng chính sách khác, ngành y tế địa phương sẽ sử dụng nguồn kinh phí chống dịch để hỗ trợ người bệnh.
Post a Comment