Có điều kiện mua nhà phố nhưng KTS Phạm Thanh Truyền vẫn lựa chọn sống trong các chung cư. Anh cho biết, với cùng số tiền, chung cư sẽ tiện nghi hơn, giúp các thành viên trong nhà sống quây quần. Trong khi đó, nhà mặt đất thường sẽ ở khu vực xa hơn, cần xây nhiều tầng mới đáp ứng đủ nhu cầu, diện tích sử dụng bị giảm (do vướng thang, chỗ để xe), các thành viên trong nhà thiếu gắn kết.
Tuy nhiên, để có cuộc sống bảo đảm an toàn, các chủ nhà không chỉ quan tâm tới không gian bên trong căn hộ mà cần kiểm tra cả khuôn viên và các yếu tố bên ngoài nhà, trong đó có an toàn phòng chữa cháy nổ.
Khu chung cư trong hình đạt chuẩn khi có 7 hộ gia đình trên một tầng dùng chung 2 thang thoát hiểm. |
Kiến trúc sư Truyền đưa ra một số kinh nghiệm về việc chọn chung cư an toàn, tránh sự cố khi có cháy:
- Từ căn hộ của bạn ra tới cầu thang thoát hiểm phải qua hai lớp cửa. Ở giữa hai cánh cửa này là khoảng không gian rỗng. Do đó, khi có cháy, khói lửa sẽ khó tràn từ hành lang ra cầu thang. Khoảng cách từ nhà bạn tới thang thoát hiểm không được quá xa.
- Cửa thoát hiểm chống cháy, luôn tự động đóng lại, hướng mở ra thang. Nếu có sự cố cháy, khói sẽ ít có cơ hội để bốc từ các tầng dưới lên trên, tràn vào hành lang như trường hợp cháy chung cư Carina Plaza ở Sài Gòn. Hoặc khói từ hành lang cũng không tràn xuống cầu thang.
- Quanh thang thoát hiểm chỉ được phép tối đa 6 căn hộ. Ví dụ như tầng nhà bạn có 12 căn hộ thì cần 2 thang bộ.
- Sảnh thang thoát hiểm có bề rộng tối thiểu 3m, giúp việc lưu thông khi có sự cố được nhanh chóng.
- Các thiết bị như chuông báo cháy, bình cứu hỏa, hệ thống phun dập lửa trong nhà phải đầy đủ và hoạt động tốt.
- Sau khi chuyển vào chung cư, các hộ cần tham gia vào các buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy của khu. Ngoài ra, mỗi gia đình cũng cần tự mình giả định các trường hợp trong căn hộ, tìm ra ít nhất 2 lối thoát hiểm khi có sự cố, cách ứng phó bình tĩnh phù hợp với từng thành viên.
An Yên
Post a Comment