Viêm khớp dạng thấp được coi là bệnh tự miễn quan trọng thứ hai trong nhóm các bệnh tự miễn ở người lớn và là bệnh quan trọng nhất trong nhóm bệnh thấp khớp, gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh.
Viêm màng hoạt dịch ăn mòn ở những khớp ngoại biên đối xứng là biểu hiện đặc trưng của bệnh. Diễn tiến kéo dài, tiến triển từng đợt, có xu hướng tăng dần, làm tổn thương sụn khớp, ăn mòn xương gây biến dạng khớp, dính khớp và mất chức năng hoạt động của khớp. Tỷ lệ khoảng 0.5% - 3% dân số trên 15 tuổi.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi khoảng 0.3% ở người dưới 35 tuổi, người trên 65 tuổi khoảng 10%. Bệnh thường khởi phát ở tuổi trung niên, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến biến dạng khớp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thị Hậu – Giảng viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur để tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng cũng như các tiêu chuẩn để chuẩn đoán bệnh.
Bệnh viêm khớp khiến người bệnh rất đau đớn.
Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết yếu tố di truyền có liên quan như thế nào trong bệnh viêm khớp dạng thấp?
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh viêm khớp dạng thấp ở những gia đình có cha mẹ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần so với các gia đình không có. Các cặp sinh đôi cùng trứng tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn so với sinh đôi khác trứng. Viêm khớp dạng thấp có mối liên hệ với hệ thống HLA. Tỷ lệ bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có HLADR4 chiếm 60% - 70% so với người bình thường có HLADR4 khoảng 20% - 25%, vì vậy người mang HLADR4 có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn người không có HLADR4.
Vậy để nhận biết viêm khớp dạng thấp chúng ta cần dựa vào các biểu hiện lâm sàng nào?
Những dấu hiệu lâm sàng sớm của bệnh:
• Biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, sốt nhẹ kèm theo chán ăn
• Biểu hiện tại chỗ:
• Cứng khớp buổi sáng nhẹ và ngắn, gặp ở 10% - 20% trường hợp.
• Một vài khớp nhỏ ở chi bị sưng nóng đỏ đau, 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp trong đó 1/3 bắt đầu bằng viêm một khớp nhỏ ở bàn tay ít khi đối xứng. Tình trạng này có thể kéo dài vài tuần.
Thời kỳ toàn phát:
• Xuất hiện các triệu chứng có thể hồi phục liên quan đến hiện tượng viêm màng hoạt dịch. Buổi sáng thấy rõ hiện tượng cứng khớp keó dài trên 1 giờ. Sưng nóng đỏ đau các khớp, có tính chất đối xứng, sưng phần mu hơn lòng bàn tay, sưng đau hạn chế vận động, các ngón tay có hình thoi nhất là các ngón 2 – 3. Các khớp thường bị ảnh hưởng là: liên đốt ngón gần bàn tay, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, cổ chân và gối.
• Các triệu chứng không hồi phục liên quan đến tổn thương cấu trúc thường xuất hiện trễ vào năm thứ hai. Đau tăng không giảm khi điều trị kháng viêm tích cực. Các khớp viêm diễn tiến đến biến dạng khớp. Khớp cử động có tiếng lạo xạo do va chạm các mặt khớp với nhau.
• Trên toàn thân: Sốt nhẹ mệt mỏi, ăn ngủ kém, gầy sút, da niêm nhợt
• Trên da: Các hạt dưới da hay nốt thấp là những hạt nổi lên khỏi mặt da, chắc, không đau, không di động vì dính vào nền xương ở dưới, kích thước từ 5 - 20 mm. Vị trí thường gặp trên xương trụ gần khớp khuỷu, trên xương chày gần khớp gối. Da khô teo lại nhất là ở các chi.
• Trên cơ - gân - dây chằng - bao khớp.
• Teo cơ rõ rệt ở vùng quanh khớp tổn thương: Cơ liên đốt, cơ đùi, cẳng chân.
• Viêm gân: thường gặp là gân gót Achille
• Dây chằng: thường là viêm co kéo hiếm gặp dãn dây chằng gây lỏng lẻo khớp
• Trên mắt: Viêm mống mắt,viêm giác mạc, viêm mạch máu.
.
Bác sĩ có thể cho biết các tiêu chuẩn để chuẩn đoán bệnh?
Theo hội thấp khớp Hoa Kỳ để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cần dựa vào các tiêu chuẩn sau:
• Cứng khớp buổi sáng: Dấu hiệu cứng khớp hoặc quanh khớp kéo dài tối thiểu 1h.
• Viêm tối thiểu 3 nhóm khớp trong số nhóm khớp sau: ngón tay gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn ngón chân.
• Viêm các khớp ở bàn tay, sưng tối thiểu một nhóm trong các khớp sau đây: Cổ tay, bàn ngón, ngón gần.
• Viêm khớp đối xứng: Ngoại trừ khớp ngón gần, khớp bàn ngón tay, khớp bàn ngón chân.
• Hạt dưới da
• RF huyết thanh (+).
• Dấu hiệu điển hình trên X-quang khớp: cổ tay và bàn tay thấy bào mòn.
Chẩn đoán xác định khi có trên 4 tiêu chuẩn, trong đó các tiêu chuẩn từ 1 – 4 phải kéo dài trên 6 tuần.
Thưa Bác sĩ, căn bệnh này diễn tiến như thế nào và tiên lượng bệnh ra sao?
Diễn tiến tự nhiên của bệnh viêm khớp dạng thấp rất khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Đa số trường hợp kéo dài dai dẳng. Có 3 kiểu chính:
• Chỉ có một đợt tiến triển sau đó thuyên giảm chiếm 20%.
• Có nhiều đợt tiến triển chiếm 70%, trong đó: 50% tiến triển từng đợt, giữa các đợt có sự thuyên giảm hoàn toàn, 50% tiến triển từng đợt, giữa các đợt không có sự thuyên giảm hoàn toàn.
• Bệnh tiến triển ngày càng nặng không có thời kỳ lui bệnh chiếm 10%.
Các yếu tố tiên lượng xấu:
• Tuổi già – nữ giới
• Tổn thương X-quang nặng và sớm
• Tổn thương nhiều khớp
• Hạt dưới da (+)
• RF (+) cao
• HLADR4 (+)
• Có biểu hiện ngoài khớp, đặc biệt là viêm mạch máu.
Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp: Nên ăn các loại cá chứa nhiều acid béo Omega-3 như cá thu, cá ngừ, cá hồi…Đây là loại chất béo tốt cho xương, ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch trong viêm khớp. Ngoài ra nên ăn nhiều rau xanh, thức ăn giàu vitamin C, D, E có tác dụng tốt cho khớp.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Post a Comment