Trong số trẻ vào bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, hầu hết đều trong nhóm đối tượng dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao do đây là nhóm đối tượng chưa được tiêm phòng.
Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương thông tin: Khoảng đầu năm 2017, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 2-3 trường hợp mắc sởi đến điều trị nội trú. Tuy nhiên trong 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20 - 24 cháu/tháng.
Ảnh minh họa. |
Hầu hết trẻ nhập viện do sởi đều dưới 1 tuổi, đặc biệt dưới 9 tháng tuổi bị sởi cũng có tỉ lệ 45,6%. Đây là nhóm tuổi các bé chưa được tiêm phòng. Các bé tới viện hầu hết đều có tình trạng sốt cao, phát ban và có thể kết hợp nhiễm trùng bộ nhiễm khác ví dụ như virus hoặc vi khuẩn khác.
“Để điều trị và chăm sóc cho bệnh nhi sởi, chúng tôi vẫn sử dụng phác đồ năm 2014 của bộ Y tế. Tuy nhiên, việc chăm sóc các bé về đường hô hấp và hướng dẫn cho cha mẹ bệnh nhân những cách thức về cách ly, phòng ngừa, tránh tiếp xúc cho những em bé khác và cho người lớn là những vấn đề rất quan trọng”, ông Điển nói.
Đứng trước tình hình bệnh nhân sởi nhập viện tăng hơn so với cùng kì các năm và tăng hơn so với tháng trước, phía bệnh viện Nhi Trung ướng đã chủ động họp nhóm của các nhóm phòng chống dịch bệnh và đưa ra các kế hoạch cụ thể.
Cùng bàn về vấn đề bệnh sởi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh (bộ Y tế) cho biết: “Tỷ lệ tiêm chủng phòng sởi cao nhưng không thể đạt 100%. Hằng năm ngoài 97%-98% số trẻ được tiêm chủng đầy đủ thì vẫn còn 2%-3% chưa được tiêm, chưa có kháng thể bảo vệ. Chúng tôi đang cho triển khai các đợt tiêm vét để đảm bảo các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ".
Hiện tại ở Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ H.B.A (SN 2017, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội) tử vong do sởi vào ngày 9/10/2017.
Nguyễn Huệ
Post a Comment