Tổng chi phí đầu tư cho khu bếp lên tới cả trăm triệu đồng nhưng anh Long (Gia Lâm, Hà Nội) lại đang "khóc dở" với chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt là những chiếc bản lề.
Khi kiến trúc sư tư vấn nên dùng các loại phụ kiện chất lượng tốt có giá khá cao, anh Long gạt đi. Anh cho rằng, chỉ cần dùng các loại bản lề tầm 15.000 đồng; tay nâng, ray trượt tầm 100.000 đồng là đủ tốt. Anh muốn đầu tư mua máy hút mùi, bếp từ, lò nướng xịn. Anh cùng người thợ thi công tủ bếp tự đi nhặt từng chi tiết nhỏ với giá rẻ.
Việc tháo bản lề cũ thay mới khá lằng nhằng. |
Nhưng mới sau 3 năm, vợ anh Long đã phàn nàn vì việc đóng mở những cánh cửa tủ. Những chiếc bản lề được quảng cáo là inox nhanh chóng bị gỉ khi tiếp xúc nước nhiều ở ngăn úp bát khiến việc đóng mở cửa khó khăn. Không chỉ thế, ở phần tủ phía dưới chậu rửa, cánh cửa còn bị xệ không thể đóng khít. Có lần chuột còn bò vào cắn đường ống làm nước bẩn chảy tràn khỏi sàn.
Cách đây 6 năm, gia đình chị Hà xây ngôi nhà ống trong ngõ ở quận Long Biên (Hà Nội). Do lúc đó còn phải đi vay tiền xây nhà nên chị chỉ đầu tư vào những món đồ nội thất lớn như giường, tủ, sofa...
Vòi nước tạm bợ của nhà chị Hà. |
Trong căn bếp 20 m2, gia đình làm hệ tủ bếp lớn hình chữ L có ngăn tủ trên dưới khá rộng với tổng chi phí là 45 triệu. Với các chi tiết như vòi nước, ổ cắm... vợ chồng chị Hà chọn các loại có mức giá trung bình để giảm chi phí.
Thời gian đầu, mọi thứ trong bếp đều vận hành khá ổn. Nhưng được ít lâu, gia đình bắt đầu gặp rắc rối với chiếc vòi nước mua với giá hơn 300.000 đồng. Bồn rửa có hai ngăn nhưng chỉ có một vòi nước nên chị Hà liên tục phải xoay chuyển vòi khi có các nhu cầu khác nhau. Thông thường, gia đình rửa bát bẩn ở một ngăn và tráng bát, rửa rau ở ngăn còn lại.
Tần suất dịch chuyển quá nhiều khiến vòi nước chất lượng thấp nhanh chóng bị dò nước ở đoạn nối. Chị Hà liên tục phải nhờ chồng tháo ra lắp vào vòi nước nhưng thói quen sử dụng làm tuổi thọ của vòi cũng không được lâu.
Có lúc chồng bận việc không sửa được, chị Hà lại phải dùng dây cao su buộc tạm. Tay yếu, áp lực nước mạnh nên có lúc, vừa mở vòi, nước làm bật cả dây cao su, bắn tung tóe ra nhà.
Hiện tại, chồng chị phải lắp thêm một chiếc vòi nhỏ để vợ không dịch chuyển vòi nước cũ. Tuy nhiên, việc bổ sung chi tiết mới vào vị trí không được thiết kế trước khiến việc thao tác bị vướng víu.
Về thiết kế nhà bếp, KTS Việt Anh chia sẻ, nhiều hộ gia đình chỉ quan tâm đầu tư tiền cho các thiết bị điện, đồ gỗ lớn mà lơ là những chi tiết nhỏ. Cùng với khu WC, bếp là khu vực được sử dụng nhiều nhất trong nhà. Mỗi ngày, cửa tủ được đóng mở hàng chục lần, vòi nước được dùng liên tục...
Bởi vậy, bạn phải đầu tư những phụ kiện tốt nhất để các thiết bị hoạt động được trôi chảy trong nhiều năm. Đó cũng là lý do mà hiện nhiều gia đình sẵn sàng mua những chiếc vòi rửa bát giá 2-3 triệu đồng hay những chiếc ray trượt đắt tiền. Việc chăm chút ngay từ ban đầu sẽ tránh được phải sửa chữa, thay mới lằng nhằng sau này.
Với nhà chị Hà, việc thay thế vòi nước khá đơn giản, nhưng việc lắp lại toàn bộ bản lề của anh Long sẽ rất tốn thời gian. Anh sẽ phải tháo tủ ra, dỡ bản lề đã bị gỉ và đóng mới khiến tủ bị xấu đi nhiều.
An Yên
Chia sẻ các sự cố khi xây sửa nhà của bạn tại đây.
Post a Comment