Xuất hiện siêu vi khuẩn kháng hầu hết kháng sinh tại Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp báo về tuần lễ truyền thông toàn cầu phòng chống kháng thuốc kháng sinh do Bộ Y tế tổ chức ngày 13/11, GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế cho biết các bệnh viện hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị.

Trước đó tại hội nghị Khoa học toàn quốc về Hồi sức cấp cứu và Chống độc 2017, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, bộ Y tế) cũng khẳng định rằng Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4 trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Thông tin gây sốc này không nằm ngoài quy luật chọn lọc tự nhiên, bởi mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó.

Thuốc & TPCN - Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đã nghiêm trọng đến mức nào?

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới. Ảnh minh họa.


Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế giới, trong số 10 loại thuốc được dùng phổ biến tại Việt Nam thì kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm đầu danh sách. Thống kê của tổ chức này cũng cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới. Trong đó, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại siêu vi khuẩn đa kháng thuốc.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Có đến 90% kháng sinh được bán không có đơn của bác sĩ trong khi những người bán thuốc lại thường không có kinh nghiệm. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt cũng ở mức báo động.

Kháng thuốc kháng sinh nguy hiểm đến mức nào?

Báo Sức khỏe & Đời sống đã chỉ ra những nguy hại khôn lường Khi vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh:

Khó khỏi bệnh

Khi vi khuẩn đã kháng lại kháng sinh, bạn sẽ phải mất thêm thời gian cho việc điều trị. Không những thế, các y bác sỹ cũng phải vất vả hơn trong công tác chữa trị. So với những người không nhờn thuốc, thời gian điều trị cho người nhờn thuốc nhiều hơn và hiệu quả cũng thấp hơn.

Mất thêm tiền của

Việc nhờn thuốc làm kéo dài thời gian điều trị, đi kèm với việc bạn cần trả thêm những khoản phí để mua thuốc và chữa bệnh so với việc không nhờn thuốc. Dù là chi phí tăng nhẹ hay tăng cao cũng đều ảnh hưởng đến tài chính của bạn. Đặc biệt khi tiền bạc vốn luôn gây đau đầu cho bạn.

Ảnh hưởng đến sức khoẻ

Khi nhờn thuốc, phải thường xuyên sử dụng kháng sinh mỗi khi bị bệnh khiến cơ thể bạn bị ảnh hưởng. Việc hồi sức gặp nhiều khó khăn.

Nguy hiểm đến tính mạng

Khi bị 'nhờn thuốc', nhiều bệnh nhân không may mắn qua khỏi. Tỉ lệ tử vong do kháng thuốc chiếm 30-90%, với vi khuẩn siêu kháng thuốc, tỉ lệ chết tới 99%. Trong đó, một số căn bệnh nguy hiểm như lao, sốt rét, việc nhờn thuốc sẽ tăng khả năng tử vong ở người bệnh.

Xã hội nguy nan

Nhiều chuyên gia cảnh báo loài người có thể quay trở lại kỷ nguyên trước khi có kháng sinh. Theo trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh châu Âu (ECDC), Italia có nguy cơ trở về thời kỳ "tiền kháng sinh" khi nước này thuộc nhóm nước có tỷ lệ vi khuẩn "nhờn" kháng sinh cao nhất tại châu Âu. ECDC cũng cho biết, vi khuẩn kháng lại dòng Carbapénèmes - một dòng kháng sinh mạnh, phổ biến là pénicillines - tại nước này đã tăng từ 15,2% năm 2010 lên 34,3% năm 2013, con số gần như gấp đôi.

Lưu ý khi dùng kháng sinh

- Không tự ý sử dụng kháng sinh.

- Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

- Chú ý đọc hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng.

- Không dùng lại thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước

- Không bao giờ dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh do vi-rút như cảm lạnh hay cảm cúm.

- Không chia sẻ thuốc kháng sinh của mình cho người có biểu hiện bệnh tương tự.

- Dùng đúng kháng sinh và đúng liều.

- Không được dùng cùng lúc (hoặc trong suốt thời kỳ dùng loại kháng sinh nào đó) với một số kháng sinh có tương kị độc hại hoặc giảm tác dụng, ví dụ như erythromycin có đến 30 loại thuốc cấm dùng cùng.

- Uống trước 60 phút hoặc sau 120 phút nếu bạn ăn uống các loại rau quả chua chứa nhiều axit hữu cơ.

N.H (Tổng hợp)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top