Sản phụ có thai nhi bị nhau thai quấn 4 vòng là Võ Thị T.Đ. (22 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) đang mang thai 38 tuần. Ngày 8/11, chị Đ. nhập viện theo dõi sinh tại bệnh viện Hùng vương, TP.HCM.
Lúc 21h45 cùng ngày, thai phụ được nữ hộ sinh Ngô Thị Thanh Kiều, đến đo nhịp tim thai và phát hiện bất thường. Tim thai chỉ 65 lần/phút, bình thường tim thai của thai phụ là 120 -160 lần/phút. Sau đó, nữ hộ sinh này báo bác sĩ tua trực là Hồ Viết Thắng xử lý.
Bác sĩ bệnh viện Hùng Vương chia sẻ về ca bệnh. |
Bác sĩ Thắng nhận định, đây là ca nguy hiểm nên nhấn nút báo động đỏ toàn bệnh viện. Nhận được tin báo, toàn bộ nhân viên tập trung cho ca mổ này.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, từ 10 -20 phút, thai phụ Đ. được mổ lấy con. Bé trai cân nặng 3kg, có 4 vòng nhau thai quấn cổ.
PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản, bệnh viện Hùng Vương cho biết, đa phần thai phụ có nhau thai quấn cổ chỉ 1 vòng. Trong khi đó, sản phụ Đ. thai nhi có nhau thai quấn cổ tới 4 vòng ở cổ. Đây là trường hợp cực kỳ hiếm.
"Với trường hợp này, chỉ cần chậm trễ 1 phút có thể dẫn kết cục xấu cho em bé. Thông thường, em bé có cọng dây rốn khoảng 60 cm, nhưng trường hợp này dài tới 80cm", bác sĩ Trang cho biết thêm.
Cũng theo vị này, việc nhau thai quấn cổ 4 vòng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhịp tim em bé suy giảm bất thường. Trường hợp này, các bác sĩ phải cấp cứu bằng cách mổ lấy con càng nhanh càng tốt.
Dây rốn quấn cổ thường gặp từ tuần 20-24 của thai phụ. Khoảng 2/3 trường hợp này có thể sinh thường.
Em bé đang được chăm sóc tại bệnh viện Hùng Vương. |
Các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương cho biết, rất vui mừng khi ca cấp cứu thành công tốt đẹp. Đồng thời, bệnh viện muốn gửi thông tin đến cộng đồng, nhất là những thai phụ, khi phát hiện dây rốn quấn cổ nên tuân theo sự hướng dẫn của các bác sĩ.
Khi phát hiện vụ việc, thai phụ không nên lo lắng. Thai phụ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường, cần theo dõi thai nhi thông qua những lần đo tim thai, siêu âm, đếm cử động thai…
Bác sĩ khuyến cáo, với những thai phụ ở chu kỳ cuối, cần tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ, của phòng khám. Một ngày, với những thai phụ chu kỳ cuối, nhất là những ngày gần sinh, cần đếm cử động thai.
Thai nhi phải có 10 cử động thai trở lên/ngày mới an toàn. Bên cạnh đó, thai phụ cũng cần phân biệt được cơn gò tử cung khác với những cử động thai máy.
Post a Comment