Thịt lợn chín chuyển màu bất thường

Báo điện tử Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa tin về  hiện tượng thịt lợn chuyển sang màu hồng khi để qua đêm. Cụ thể, chị Nguyễn Thị Trà (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vào tối 2/11, chị có ghé chợ gần nhà để mua thịt. Đem thịt về luộc, chị cẩn thận cắt miếng thịt ra kiểm tra không còn dấu máu mới tắt bếp. Sáng ra, chị vẫn thấy thịt có màu bình thường, không ngờ trưa về thấy thịt chuyển sang màu hồng tươi, bốc mùi hôi thối.

Dinh dưỡng - Nguyên nhân khiến thịt lợn chín chuyển màu hồng, đỏ như máu

 Thịt lợn chín bị vi sinh vật tấn công vì khâu bảo quản thực phẩm không tốt. 

 Nói về hiện tượng này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng số thịt chị Trà đã sử dụng có khả năng bị vi sinh vật tấn công vì khâu bảo quản thực phẩm không tốt. Bản thân miếng thịt không có phản ứng biến màu và muốn biết đó là vi sinh vật nào thì cần phải đem đi phân tích, kiểm tra mới có thể biết chính xác.

Ông Thịnh cho biết thêm: Vi sinh vật gây tác hại có rất nhiều loại, có thể gây nhiễm khuẩn đường ruột, gan, gây ảnh hưởng cho não, thận... Vi sinh vật gây biến màu thực phẩm là loại có nhiều độc tố nhất, có thể tích tụ trong cơ thể gây ra bệnh ung thư, con nít không lớn được, phụ nữ vô sinh….

Vi sinh vật phổ biến nhất là E.coli, không gây biến màu thực phẩm nên khó phát hiện, loại này thường gây tiêu chảy. Về nguyên tắc, khi thấy thực phẩm đổi màu hoặc có mùi bất thường, có sợi nấm mốc phát triển hoặc có bất kỳ nghi ngờ gì thì không nên ăn.

Trước đây, dư luận cũng từng xôn xao về các trường hợp thịt luộc chuyển sang màu  đỏ tươi như máu. Sau khi cất thịt (ăn không hết) vào tủ đồ ăn, người dân bàng hoàng phát hiện miếng thịt có màu bất thường. Theo kết quả kiểm nghiệm của viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia, nguyên nhân khiến thịt lợn chuyển màu đỏ như máu là do vi khuẩn Serratia Marcescens  (loại vi khuẩn có thể gây ra bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm màng não và áp xe não, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng mắt) gây ra.

Vi khuẩn Serratia Marcescens  khá phổ biến, nó thường được tìm thấy trong đất, nước, thực vật và động vật. Phương thức lây truyền của vi sinh vật này là liên hệ trực tiếp hoặc bằng ống thông.

Thịt lợn không được bảo quản đúng cách sẽ nhanh hỏng và thối rữa

Sức khỏe Đời sống cho hay, ngay sau khi chết, trong mô cơ của động vật xảy ra những biến đổi, tùy thuộc vào điều kiện môi trường, trong một thời gian nhất định, cuối cùng sẽ dẫn đến hiện tượng tự phân và sau đó là hư hỏng thối rữa.

Sự phân hủy protein là nguyên nhân làm ẩm ướt bề mặt và xuất hiện chất nhầy, đồng thời với sự tiết chất nhầy trên bề mặt thịt phân hủy, màu sắc, mùi, độ chắc và các chỉ tiêu khác của thịt cũng bị biến đổi. Thịt màu đỏ đầu tiên chuyển sang màu nhợt nhạt rồi sang màu xanh nhạt.

Cách bảo quản thịt chín

Thịt đã được sơ chế và nấu chín sẽ có thời gian bảo quản thấp hơn so với thịt tươi sống. Việc bảo quản các loại thịt này cũng cần phải tuân theo những nguyên tắc nghiêm ngặt hơn, dụng cụ chứa thịt chín phải hoàn toàn sạch sẽ, vô trùng và kín đáo để không khí không lọt được vào bên trong. Không đặt những hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn.

Nếu muốn dự trữ thịt đã nấu chín thì nên cho vào các hộp đựng nhỏ và đậy kín nắp. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian chế biến mà vẫn có những món ăn nấu nướng kỳ công thì nên đông lạnh loại thịt chín mà bạn yêu thích. Như vậy sẽ bảo quản được lâu hơn rất nhiều so với khi bạn chỉ bảo quản ở ngăn mát.

Ngân Hà(Tổng hợp)

 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top