Có gần 500.000 người mong muốn chuyển giới tại Việt Nam

Mới đây, bộ Y tế đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng về dự thảo luật Chuyển đổi giới tính. Được biết, tại đây, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung trong dự thảo Luật; các lưu ý trong phẫu thuật chuyển đổi giới tính; trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế về thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ Pháp chế, bộ Y tế cho biết theo một số nghiên cứu, tỉ lệ người chuyển giới chiếm khoảng 0,3% - 0,5% dân số. 

Giới tính - Người đã kết hôn sẽ không được phép chuyển đổi giới tính?

Ảnh minh hoạ: Internet.

Tại Việt Nam, hiện có gần 400.000-500.000 người mong muốn chuyển giới, báo Sức khoẻ & Đời sống đưa tin. Tuy nhiên, đa số vẫn phải ra nước ngoài phẫu thuật. Các chuyên gia y tế tham dự hội thảo cũng nêu lên thực trạng chuyển giới ở Việt Nam. Theo đó, nước ta vẫn chưa có những dịch vụ chuyên biệt hay các bác sĩ chuyên khoa về chuyển đổi giới tính, do đó người chuyển giới không có thông tin hướng dẫn tư vấn từ bác sĩ chuyên môn khi quyết định sử dụng hormone

Thống kê của bộ Y tế cho thấy, 26,9% người đã từng ra nước ngoài để được sử dụng dịch vụ này, chủ yếu là ở các bệnh viện Thái Lan, 22,4% tìm kiếm dịch vụ tư vấn và khám trước sử dụng hormone tại cơ sở y tế tư nhân trong nước và chỉ có 13,4% đến các bệnh viện công. Khi tự ý sử dụng thuốc và hormone, người chuyển giới có thể gặp nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bởi vậy, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính mà bộ Y tế đang xây dựng nhằm mục đích tạo cơ sở pháp lý cho những người thuộc cộng đồng LGBT thực hiện được quyền chuyển đổi giới tính, hiểu về những tác động của việc làm này.

Người đã kết hôn sẽ không được phép chuyển đổi giới tính?

Trong dự thảo Luật chỉ rõ người muốn được chuyển đổi giới tính phải đáp ứng đủ các điều kiện: Đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân; có giới tính sinh học hoàn thiện nhưng mong muốn giới tính khác giới tính sở hữu hiện tại, yêu cầu được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Trên báo Zing.vn có thông tin về ba phương án để công nhận người chuyển đổi giới tính mà dự thảo Luật đã đưa ra:

- Phương án 1: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong thời gian liên tục khoảng hai năm trở lên; thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

- Phương án 2: Cho phép cá nhân sau khi kiểm tra tâm lý được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng một năm) hoặc đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hay bộ phận sinh dục), toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục), thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

- Phương án 3: Không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hoặc phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục) mà chỉ cần có bản xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.

Như vậy, theo dự thảo, những người đã kết hôn sẽ không được phép chuyển đổi giới tính. Sau khi được công nhận đã chuyển đổi giới tính, người chuyển giới sẽ được thay đổi tên, giới tính theo pháp luật về hộ tịch.

Tháng 11/2015 Quốc hội đã biểu quyết thông qua bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó Điều 37 chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Cụ thể: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Bộ luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Tuy vậy, sẽ cần có thêm các quy định pháp luật khác để cụ thể hoá quyền này.

N.H(Tổng hợp)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top