Đôi lúc cha mẹ không nhận ra tầm quan trọng trong cách nói chuyện của bản thân lên sự phát triển của trẻ. Thực sự, cách nói chuyện của cha mẹ có thể quyết định trẻ có thành công hay sẽ thất bại trong cuộc sống sau này.

Giáo sư Kolb B. (Đại học Lethbridge, Canada), trong nghiên cứu của mình đã đề cập não bộ của trẻ như một miếng bông thấm, rất dễ thấm và thấm tất cả các thái độ, hành động và lời nói của những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ của bé. Tính chất thấm này của não bộ là một chức năng tốt cho việc học hỏi, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu những thứ thấm vào là những hành động hay lời nói không hay.

"Tính thấm" là con dao hai lưỡi, nhưng bạn có thể kiểm soát và phát huy mặt tốt của nó cho con của bạn. Hãy đếm 1-2-3 trong đầu của bạn để bạn có thời gian suy nghĩ và thay đổi lời nói khi dạy dỗ bé. Lời nói bạn nói ra sẽ không bao giờ rút lại được. Do đó, hãy dùng lời nói tích cực và có tính khuyến khích, hơn là những lời khen sáo rỗng hoặc la mắng vô cớ.

Đây là những câu nói thông thường ở những tình huống mà nhiều cha mẹ dễ mắc phải và nói theo bản năng. Chỉ cần 3 giây, bạn có thể thay đổi cách nói và thay đổi cuộc đời của bé!

5-cau-noi-thuong-ngay-nhung-de-lam-that-bai-mot-dua-tre

Ảnh: Anh Nguyễn.

1. Sao con không được như anh/chị của con vậy?

Một sự thật là, nếu hai bé có tuổi chênh nhau quá ít (dưới 2 tuổi) thì trẻ thứ hai sẽ ít có cơ hội phát triển như trẻ thứ nhất nếu cha mẹ không chú ý trong giao tiếp với hai con. Việc so sánh 2 bé dù có chênh lệch độ tuổi như thế nào cũng đều không nên. Cha mẹ cần phải hiểu rằng: Mỗi bé sẽ cần có một không gian phát triển khác nhau. Sự tự ti là hậu quả của việc "thấm" những lời so sánh này.

Giáo sư Katherine Kersey, ĐH Old Dominion đề nghị, thay vì chỉ trích đứa trẻ nhỏ hơn, bạn hãy nói rằng: anh của con đang làm tốt, mẹ nghĩ anh có thể giúp con khi con gặp khó khăn, được chứ?

Và cũng đừng bao giờ nói với anh/chị của bé như "Con phải luôn làm gương tốt cho em", thay bằng câu là "Con nên trông coi em, giúp em làm tốt nhất như con đang làm".

2. Con lớn phải nhường em

"Nhường em" là khái niệm rất khó hình dung đối với các bé nhỏ. Không như người lớn chúng ta, trẻ con chưa có đủ nhận thức phải nhường, cho đến khi chúng có nhận thức về sự đủ. Đôi lúc người lớn chúng ta cũng chưa nhận thức tốt về "sự đủ" để nhường. Đối với trẻ nhỏ, thay vì nhường thì hãy dạy bé biết cách "đến lượt", nói cách khác là biết "chia sẻ".

Dạy trẻ biết cách chia sẻ và đợi đến lượt sẽ giúp trẻ dễ hòa nhập vào những giao tiếp xã hội. Tiến sĩ Carl hướng dẫn cha mẹ: "Bây giờ, chúng ta sẽ cần đến lượt để chơi/cầm món đồ này, vậy lượt đầu tiên là em, đến chị và mẹ (mẹ là người trung gian, để giải quyết tình huống).

3. Đưa đây, để mẹ làm

Khi bạn nói như trên, trẻ sẽ nhận ra trẻ không cần làm và sáng tạo nữa. Tốt nhất bạn nên cho trẻ có không gian nhận ra cái mới, tự do quyết định. Vai trò của chúng ta là gợi mở cho bé. Đừng lo lắng câu trả lời của bé lạ đời, sai thực tế hoặc không giống ai.

Có một lần tôi cùng cháu trai 2,5 tuổi đếm những cái răng của khủng long bố. Tôi bèn chỉ sang khủng long con và hỏi "Khủng long con có mấy răng?". Bé liền dùng tay sờ vào miệng khủng long và nói "Mở miệng ra đi, mở miệng đi" (bởi vì bức tranh là khủng long con đang ngậm miệng). Qua điều này tôi có thể biết cháu tôi đang phát triển một nhận thức và liên kết tốt giữa hình ảnh trên trang sách và đời thực (răng nằm trong miệng). Điều này cho thấy sự sáng tạo của các bé rất phong phú. Nếu bạn chỉ dừng lại việc nói với bé là: "bé khủng long còn nhỏ chưa có răng", thì bé sẽ ít có cơ hội để bộc lộ cách nghĩ khác của bé.

5-cau-noi-thuong-ngay-nhung-de-lam-that-bai-mot-dua-tre-1

Ảnh: CBC.

4. Con ra rìa rồi, mẹ đã có em bé mới

Việc có một thành viên mới là cần thông báo cho bé, nhưng không phải theo cách này. Tôi biết bạn nghĩ nó vô hại vì trẻ quá nhỏ để biết. Nhưng thực sự, nó không hề vô hại vì trẻ sẽ có đủ nhận thức là "mất tình yêu" của bạn.

5. Lại nữa, lúc nào con cũng hậu đậu

Không có đứa trẻ hậu đậu, chỉ có cha mẹ chưa dạy chúng đủ. Luôn chỉ trích việc bé làm sai là bạn đang làm bé mất hứng thú với điều đáng lẽ bé cần cố gắng hơn.

Thay vì chỉ trích, bạn hãy hỏi: Mẹ biết con đã cố gắng, nhưng có một vài chỗ chưa đúng, con có thể cho mẹ biết chỗ nào con chưa hiểu.

Đối với bé nhỏ: Bạn hãy lập lại quy trình dạy cho bé và hỏi những câu hỏi liên quan để tìm ra điều bé làm chưa đúng. Tôi từng xem một người bạn là chuyên gia giáo dục trẻ nhỏ tại Worcester (Anh), từng giúp một bé nhận ra một từ mới "tiệm bánh mì" - từ mà bé không thể nhớ khi học trên lớp. Bạn của tôi đã làm như sau:

- Bạn tôi chỉ cho bé về Silly (một nhân vật trong trang sách). Bạn tôi hỏi: Silly màu gì? Bụng silly đâu? Bé chỉ và nói chính xác.

- Bạn tôi chỉ lên chiếc bánh mì trên tay Silly và những chiếc bánh mì nằm rải rác trên trang sách để nhắc đi nhắc lại từ "bánh mì". Bé đã có một liên kết tốt về hình ảnh Silly trong não bộ và điều bây giờ bé cần là liên kết Silly với bánh mì.

- Cuối cùng, sau một thời gian, bé có thể liên kết tốt Silly và bánh mì, từ "tiệm bánh mì" tự nhiên được xây dựng trong trí nhớ của bé. Bé cũng dễ hình thành câu: "Silly ở tiệm bánh mì", "Silly mua bánh mì". Bạn tôi luôn hỏi bé: Silly mua bánh mì ở đâu? và bánh mì có ở đâu?

Dành thời gian cho bé và dùng những lời nói tích cực, mang tính xây dựng là lời khuyên dành cho những bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ, dù trong những hành động hằng ngày hay trong những tình huống khó khăn và bướng bỉnh của bé.

Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester - Anh)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top