Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, bác sĩ Trần Vũ Quang, bệnh viện Phụ sản Trung ương đã dẫn chứng một ca hi hữu do “bỏ qua” lời dặn dò về chế độ ăn uống trước khi mổ đẻ, suýt đánh đổi cả tính mạng.

Theo lời kể của bác sĩ Quang, cách đây ít hôm, một phụ nữ tên Ngân có đến để mổ đẻ theo chỉ định vì ngôi thai ngược và thai nhi quá to. Trước đó, bác sĩ Quang đã nhắc nhở chị Ngân không được ăn uống gì trong 6-7 tiếng trước khi mổ. Nhưng khi mổ sinh, chị bị trào ngược dạ dày, thức ăn tràn vào phổi có thể gây ra tắc đường thở.

Lúc này, bác sĩ Quang và các bác sĩ chịu trách nhiệm cho ca mổ đã phải cấp cứu và sử dụng chuyên môn để cứu cả mẹ lẫn con, may mà cứu được cả hai.

“Khi đưa con đến cho chị, hỏi ra mới biết lúc 4-5h, đói quá sợ lúc mổ không còn sức nên chị Ngân ăn một chén cháo và nghĩ ăn ít như thế sẽ không sao. Thế nên khi đến mổ sinh, bác sĩ hỏi có ăn gì trước không, chị này sợ bác sĩ quở trách nên đã không nói, suýt nữa xảy ra việc không hay”, bác sĩ Quang kể.

Sức khỏe - Suýt mất cả mẹ và con chỉ vì bát cháo loãng!

Trước khi mổ đẻ, bà bầu cần tuân thủ tuyệt đối lời dặn dò của bác sĩ về chế độ ăn uống. (Ảnh minh họa).

Cũng theo bác sĩ Quang, nếu không xử lý kịp thời, giờ này chắc chị Ngân không thể nhìn mặt con của mình. “Khi tôi đưa bé đến, nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên mặt chị mà mắt tôi cũng cay cay. Ôm bé mà chị cứ ủ ủ, ấp ấp như gà mái ấp con. Khi tôi bảo phải đem bé đi kiểm tra một vài chỉ số để theo dõi tình trạng sức khỏe, chị bịn rịn ôm bé mãi mới để tôi đưa đi”, bác sĩ Quang nhớ lại.

Liên quan đến trường hợp của chị Ngân, bác sĩ Trần Vũ Quang đưa ra những lưu ý vàng giúp mẹ bầu vượt cạn an toàn cũng như cảnh báo mối nguy hiểm từ việc ăn uống không theo chỉ định trước khi mổ đẻ.

Vì sao không được ăn trước khi mổ đẻ?

Bác sĩ Quang cho hay, trước khi mổ đẻ, quá trình phải phẫu thuật dưới gây mê, gây tê đều được bác sĩ khuyến cáo là không được ăn uống trước khi mổ. Nguyên nhân là để ngăn ngừa thức ăn trong dạ dày trào ngược vào phổi do hít phải.

Tai biến này thường để lại hậu quả rất nặng nề và nghiêm trọng. Dịch, thức ăn trong dạ dày khi trào vào phổi sẽ làm tổn thương phổi và gây ra các phản ứng viêm nhu phổi cấp tính. Hít chất dịch có acid từ dạ dày làm biểu mô phế nang phù nề và tiết dịch gồm albumin, fibrin, mảnh vụn tế bào và hồng cầu.

Các triệu chứng:

Thở khò khè, tím tái, co thắt phế quản, ran nổ, ran ngáy, tụt huyết áp, phù phổi, tắc nghẽn phế quản làm giảm sức đàn hồi và giảm sinh khí máu làm thiếu máu, tăng nhịp thở, tiến triển thành ARDS, có thể gây ra đột tử hay tử vong muộn do các biến chứng của phổi...

Hội chứng này rất hay xảy ra ở trẻ em và gây hậu quả đặc biệt nặng nề. Do thực quản ở trẻ chưa phát triển toàn diện nên thức ăn rất dễ trào ngược vào phổi, cộng thêm khả năng dự trữ của phổi kém gây tử vong nhanh chóng. Hội chứng này cũng hay gặp ở bệnh nhân chấn thương sọ não và thai phụ mổ lấy thai.

Thời gian nhịn ăn, uống tối thiểu:

Chất lỏng sạch: 2 giờ.

Sữa mẹ: 4 giờ.

Sữa khác: 6 giờ.

Ăn: 6 giờ.

Nhiều người sẽ thắc mắc: Nhịn ăn như thế cộng với thời gian phẫu thuật sẽ rất đói thì bệnh nhân lấy năng lượng đâu mà mổ.

Bác sĩ giải đáp, khi vào phòng mổ hay phòng sinh, bệnh nhân đều được truyền nước biển, trẻ em được truyền glucose để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Vậy nên, trước khi tiến hành phẫu thuật, mọi người hãy tuân thủ những chỉ định của bác sĩ, nếu không sẽ bị hoãn lịch mổ hoặc rơi vào nhóm có nguy cơ cao bị các biến chứng.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top