Gia đình anh Quyết mới chuyển chỗ ở từ đầu tháng 9. Từ ngày về nhà mới tại quận 7, TP HCM, vợ anh phàn nàn máy giặt để trên sân thượng tầng 3 mỗi lần giặt mất đến 3 giờ đồng đồng hồ trong khi thời gian dự tính của nhà sản xuất chỉ là 50 phút. Sau nhiều lần giặt thấy quần áo còn đậm mùi nước giặt, chị theo dõi thì phát hiện do nước yếu quá, máy tự ngắt mất một công đoạn xả. Vì các vòi nước trong nhà nước cũng không mạnh lắm, vợ chồng anh Quyết nghĩ ngay lí do là áp suất nước kém, khiến dòng nước nhỏ.
Sau một thời gian trì hoãn, sáng chủ nhật vừa rồi, anh Quyết đi mua một chiếc máy bơm nhỏ, lắp vào đường dẫn nước của máy giặt để tăng áp suất dòng nước. Hì hục khoan tường lắp máy, nhưng khi lắp máy bơm xong thì dòng nước chảy vào máy giặt vẫn rỉ rỉ. Anh đành gọi thợ đến nhà sửa thì được hướng dẫn kiểm tra bộ lọc của nguồn nước vào máy giặt. Mở ra, anh giật mình thấy rất nhiều cát cùng một số loại rác khác đọng lại ở đó.
Sau khi vệ sinh bộ lọc nhỏ xíu bằng ngón tay ngay đường cấp nước vào máy giặt, nước chảy vào máy còn to hơn cả thời ở nhà cũ. Tuy sửa được máy giặt một cách dễ dàng nhưng anh Quyết hậm hực cả ngày vì tự dưng mất hơn một triệu tiền mua nguyên vật liệu (máy bơm nhỏ, đường ống nước...) và mất cả ngày nghỉ.
Bộ phận lọc nước ở đầu vào đường nước máy giặt nhà anh Quyết. Ảnh: NVCC |
Mua chiếc máy giặt đã được 4 năm, chị Xuân ở Phú Nhuận, TP HCM chỉ thỉnh thoảng lau chùi bên ngoài và nắp máy. Chị chưa bao giờ làm sạch lồng giặt, nghĩ không cần thiết vì ngày nào cũng đã giặt quần áo rồi, chắc chắn lồng giặt cũng được làm sạch theo. Cho đến tháng trước, mấy lần máy giặt đang vận hành bỗng dừng lại. Chị khởi động lại, máy quay bình thường. Tuy nhiên, sau khoảng chục lần như vậy thì máy "đơ" hẳn. Gọi thợ đến sửa, chị giật mình vì bên ngoài lồng kim loại quá bẩn, rác đóng thành bánh. Đặc biệt, trục đỡ của lồng máy giặt bị gẫy do chị cố sử dụng khi máy đã dừng. Chị Xuân phải thay trục mới, chi phí thay đồ và trả tiền công thợ hết hơn 600.000 đồng.
Trục đỡ lồng giặt nhà chị Xuân bị gãy một phần do quá bẩn. Ảnh: NVCC |
Kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng, công tác tại trung tâm bảo hành của một nhãn hàng điện gia dụng nhận xét, nhiều người khi mua sản phẩm về thường bỏ qua việc đọc hướng dẫn sử dụng, chỉ dùng theo thói quen và kinh nghiệm truyền miệng của nhau nên nhiều khi dùng sai, làm giảm tuổi thọ của sản phẩm. Đặc biệt, chúng ta hay bỏ qua khâu vệ sinh thiết bị, một việc làm rất đơn giản nhưng nếu thiếu có thể khiến bạn tốn nhiều tiền để sửa chữa, thậm chí đôi khi còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe của người dùng.
Gia đình chị Thu Hường (quận Gò Vấp, TP HCM), mua điều hòa hai năm nhưng chưa bao giờ vệ sinh màng lọc, trong khi nhà chị nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Oanh, gần cầu vượt đang xây dựng, kể cả khi đóng cửa bụi vẫn lọt vào nhà. Mùa hè vừa qua, cả gia đình liên tục vào viện vì bệnh hô hấp, nguyên do một phần là màng lọc không khí của điều hòa quá bẩn. Không những thế, vì màng lọc bị bụi bám nên cản trở hơi lạnh thoát ra ngoài, khiến dù bật 20 độ C mà vẫn nóng. Nghĩ hết ga, chị gọi thợ đến nhà nạp ga. Mất 500.000 nạp ga, điều hòa vẫn không mát. Mãi đến khi một người bạn đến nhà chơi, kiểm tra thấy bộ lọc không khí bẩn quá, khuyên nên vợ chồng chị vệ sinh thì điều hòa mới mát trở lại, đồng thời không khí trong phòng sạch hơn hẳn.
Theo kỹ sư Xuân Hùng, hầu như các bộ phận cần làm sạch ở đồ gia dụng đều có thể lấy ra một cách dễ dàng, ví dụ lọc rác, màng lọc nước trong máy giặt, màng lọc không khí của điều hòa, cánh và lồng của các loại quạt điện... Với những bộ phận này, người tiêu dùng có thể tự làm sạch mà không cần đến thợ. Còn một số bộ phận khó lấy rời như thùng máy giặt, ta có thể làm sạch bằng dấm hay viên làm sạch chuyên dụng, theo cách đã được ghi lại trong tờ hướng dẫn sử dụng kèm theo sản phẩm khi bạn mua về. "Việc làm sạch đồ gia dụng nên được tiến hành định kỳ, thường xuyên vừa đảm bảo tuổi thọ của sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng tiết kiệm điện nước vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng", ông Hùng khuyên.
Hoàng Anh
Post a Comment