Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Phương Nghi, đang sống tại TP HCM về sai lầm khi dùng thẻ tín dụng của mình. Việc lạm dụng thẻ tín dụng đã khiến chị chi tiêu không kiểm soát, không tiết kiệm được.

Tôi đi làm được 10 năm, kết hôn được 5 năm nhưng mới bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng cách đây 3 năm. Ban đầu cũng chỉ vì ham ít quà khuyến mại khi các nhân viên của một ngân hàng đến tận công ty tôi làm việc mời mở thẻ. Thủ tục nhanh chóng, nhân viên ngân hàng lo hết, việc của tôi chỉ là chụp hình cái chứng minh thư, bản hợp đồng lao động, sổ hộ khẩu gia đình gửi cho các em ấy. Tôi được miễn phí mở thẻ, miễn phí sử dụng năm đầu tiên (khoảng 350.000 đồng) và sẽ được tặng một cái vali (nghe nói 2 triệu) nếu mua sắm 2 triệu đồng trong vòng 1 tháng đầu tiên. Nghĩ làm thẻ chả mất gì, lại có quà nên tôi đồng ý ngay.

Để sớm nhận được quà, sau khi cầm thẻ trong tay, tôi ngay lập tức đi siêu thị, mua từ đồ tiêu dùng hàng ngày đến thực phẩm cho đủ 2 triệu. Chất đầy xe hàng, cuối cùng, tôi quẹt thẻ hết gần 3 triệu.

Sau vài lần dùng thẻ thấy tiện lợi, tôi bắt đầu dùng thường xuyên hơn. Mua sắm trực tiếp hay mua sắm online, bất cứ nơi nào chấp nhận thẻ tín dụng, tôi đều lấy thẻ ra thanh toán, dù lúc đó có tiền mặt trong túi. Có thẻ tín dụng, nhiều lúc mua rau, mua gạo - những mặt hàng bình thường tôi vẫn mua ở chợ cho nhanh, tôi vẫn vào siêu thị. Bạn biết đấy, vào siêu thị, dắt theo một đứa trẻ con, không bao giờ có thể chỉ mua một mớ rau là xong, tằn tiện cũng thêm vài cái bánh, vài món đồ chơi nhỏ. Hàng vẫn mua được mà tiền trong tài khoản nhận lương vẫn còn, tôi thậm chí còn tranh thủ gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng hay vài tuần lấy vài chục nghìn tiền lãi. Tiện nhất là dùng thẻ tín dụng, tôi không rơi vào cảnh phải trả lại hàng vì nhặt quá số tiền mang theo trong túi mỗi lần đi mua sắm. Tôi được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng 30 triệu, tương đương 2 tháng lương.

hai-nam-nha-toi-vet-can-tui-tien-truoc-su-moi-goi-cua-the-tin-dung

Tôi không nhận ra mình đã chi nhiều hơn thu khi sử dụng thẻ tín dụng - Ảnh minh họa: goodreturn.

Khi đang dùng chiếc thẻ đầu tiên của một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, tôi lại được mời chào làm thêm một thẻ tín dụng của một ngân hàng quốc tế. Nếu dùng thẻ này đóng tiền bảo hiểm nhân thọ, tôi được nhận lại 5%. Thấy số tiền được nhận về (1,6 triệu/năm) cao hơn số tiền phí duy trì hoạt động của thẻ (1,2 triệu) tôi lại làm thêm một thẻ tín dụng nữa. Chiếc thẻ này có rất nhiều ưu đãi ở các nhà hàng, khu vui chơi, tiện lợi khi sử dụng ở nước ngoài. Từ ngày có cái thẻ tín dụng mới này, gia đình tôi hay đi ăn hàng cuối tuần hơn vì được giảm giá 10-20%. Chúng tôi cũng một lần đi du lịch Singapore, một lần đi Thái Lan để... dùng thử thẻ và nhận ưu đãi.

Có lẽ tôi sẽ không nhận ra việc lạm chi của mình nếu không xảy ra một trận cãi vã kịch liệt với chồng về chi tiêu của gia đình. Lần đấy, tôi tiêu quá tay và phải rút tiền kiệm để thanh toán dư nợ cuối kỳ của hai thẻ tín dụng để tránh bị phạt vì trả chậm. Chồng tôi liên tục chất vấn, tại sao, trước đây mỗi tháng chúng tôi vẫn để ra được 3-5 triệu dù lúc đó phải trả khoản vay mua nhà tầm 8-9 triệu/tháng. Bây giờ, giảm được 1 triệu tiền trả góp mua nhà, thu nhập cũng cao hơn lại không dư được đồng nào, thậm chí còn tiêu lẹm vào số tiền tiết kiệm từ trước.

Ngồi rà soát lại, tôi giật mình thấy mỗi tháng mình đã đóng góp cho mấy siêu thị không dưới 10 triệu đồng chỉ để mua đồ tiêu dùng mà mua càng nhiều thì cả nhà dùng càng hoang. Rồi các khoản chi tiêu ở các trung tâm mua sắm, nhà hàng.

Tất nhiên, tôi vẫn chưa nghĩ ra thủ phạm là thẻ tín dụng, cho đến khi một người bạn của tôi đánh rơi thẻ tín dụng, chưa kịp khóa, bị người xấu nhặt được, lấy đi mua sắm hết sạch tiền. Tôi sợ quá khóa 2 cái thẻ của mình lại. Mấy tháng không dùng đến thẻ, tôi giảm tiêu pha thấy rõ và đã để dành được gần 10 triệu.

Bây giờ, tôi vẫn có một cái thẻ tín dụng, nhưng để đảm bảo an toàn và cũng không muốn lạm chi, tôi thường xuyên khóa thẻ, khi nào định mua gì mới mở khóa. Mỗi tháng tôi chỉ cho phép mình tiêu khoảng 2 triệu đồng bằng thẻ tín dụng, còn dùng thẻ nội địa hoặc tiền mặt để nhìn thấy số tiền mình đã bị mất đi thế nào sau mỗi khoản chi mà chi tiêu cho phù hợp. Tôi cũng không ham hố các chương trình giảm giá, khuyến mại bởi tôi hiểu những thứ được khuyến mại đã được tính hết vào giá bán của món hàng, nếu tôi nhận được một là do tôi đã bỏ ra 10.

Nguyễn Phương Nghi

Theo thạc sĩ tài chính ngân hàng Thị Kim Oanh, thẻ tín dụng với việc tiêu dùng trước, thanh toán sau thực ra là một hình thức kích cầu tiêu dùng của các ngân hàng và các nhà phân phối. Nếu không tỉnh táo khi dùng thẻ, bạn rất dễ lâm vào tình trạng bị lạm chi. Ngoài ra, nếu bạn không thanh toán đúng hạn khoản tiền đã chi tiêu trong kỳ sao kê, bạn sẽ bị phạt một khoản tiền gọi là thanh toán chậm và phải chịu lãi suất tương đối cao (từ 18%/năm trở lên, tùy từng ngân hàng và loại thẻ tín dụng) cho số tiền bạn nợ thẻ tín dụng. Trong hệ thống lãi của ngân hàng, mức lãi thẻ tín dụng thường là mức lãi cao nhất. 

Theo bà Avni M. Shah, giáo sư về marketting tại Đại học Toronto Scarborough, Canada - nơi việc sử dụng thẻ tín dụng đã rất phổ biến và phát triển, mặc dù sự tiện dụng của việc dùng thẻ là không thể chối cãi, nó cũng có nhược điểm là khiến chúng ta ít trân trọng món đồ hơn là khi trả bằng tiền mặt. Bà khuyên người tiêu dùng nếu muốn tiết kiệm và dễ kiểm soát chi tiêu, hãy dùng tiền mặt mua sắm thay vì dùng thẻ tín dụng.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top