Từng nhiều năm xử lý các vụ ly hôn, Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa) gặp phải nhiều tình huống éo le, ngang trái. Trong đó câu chuyện chồng được vợ trả tiền, đề nghị ly hôn mà anh xử lý một năm trước là một trong những vụ hy hữu nhất.

Anh Nguyễn Thành, 40 tuổi và chị Thu Hồng, 39 tuổi, ở Hà Nội, yêu nhau từ thời sinh viên. Chị với khả năng ngoại ngữ tốt đã xin đi làm ở một công ty nước ngoài với mức lương cao. Sau đó chị nghỉ việc, mở công ty riêng về du học và dạy tiếng Anh. Còn anh Thành làm ở một cơ quan nhà nước với mức lương chỉ hơn 3 triệu.

Sau khi kết hôn, chị Hồng sinh được 2 bé, một trai một gái. Vì công việc ở công ty bận rộn nên chị khuyên anh ở nhà chăm sóc con cái để chị yên tâm phát triển sự nghiệp. Sau nhiều suy nghĩ trăn trở, thương vợ, thương con, anh quyết định nghỉ việc năm 2007.

Có nhiều thời gian toàn tâm với công việc, sự nghiệp của chị phát triển nhanh. Chị mua được nhà, ôtô, sắm sửa cho gia đình... Nhưng chính vì chị bận rộn quá, thường xuyên đi nước ngoài, khiến hố sâu ngăn cách giữa hai vợ chồng càng lớn. Chị xa cách chồng, phó mặc anh chăm sóc con. Mỗi tháng, chị để một khoản tiền ở nhà cho anh đi chợ, đóng tiền học cho con. Anh Thành nói có khi cả ngày hai người chỉ nói với nhau vài câu, cũng chỉ là hỏi con học thế nào, có việc gì không... 

Anh chia sẻ nhiều khi buồn, muốn đi làm lại nhưng thương con không ai trông, ông bà hai bên ở xa nên lại đành ở nhà. Có lần anh nói chị tìm người giúp việc nhưng chị nói sợ họ chăm con không tốt. 

vo-de-nghi-ly-hon-tra-chong-1-2-ty-sau-10-nam-chung-songnhan-o-nha-cham-con-thay-vo-di-vao-duong-cut

Nhiều đôi vợ chồng ly hôn vì một trong hai người không làm ra tiền. Ảnh: Sheknows.

Điều gì đến cũng đến, đầu năm 2016, chị Thu Hồng viết đơn ly hôn chồng. "Cô ấy đưa cho tôi một chiếc túi xách, trong đó có 1,2 tỷ đồng và nói đó là tiền công sức tôi đóng góp cho gia đình suốt 10 năm qua. Cô ấy ước tính lương làm việc nhà, chăm sóc con là 9 triệu/tháng, thưởng thêm 1 triệu/tháng… rồi đề nghị tôi ký đơn ly hôn", anh Thành kể lại. Anh nói không quan tâm chuyện chị có người khác hay không nhưng anh nghĩ cũng đã đến lúc chấm dứt cuộc hôn nhân này. Hai người từ lâu không còn tình cảm với nhau.

Hơn một năm kể từ ngày gặp người đàn ông ấy, luật sư Quách Thành Lực vẫn nhớ rõ gương mặt đượm buồn của anh khi chia sẻ câu chuyện gia đình. "Anh ấy nói với tôi rằng mọi tài sản như nhà cửa, xe cộ, vật dụng trong nhà, sinh hoạt gia đình... đều do vợ kiếm ra, anh hầu như không có gì. Anh ấy băn khoăn không biết có nên nhận số tiền đó hay không và bản thân anh có quyền gì với những tài sản mà vợ anh tạo lập", luật sư Lực chia sẻ.

Sau một thời gian được luật sư tư vấn rằng có thể được hưởng nhiều hơn số tiền 1,2 tỷ theo luật về chế độ tài sản của vợ chồng, anh Thành vẫn quyết định nhận số tiền đó và không tranh chấp về tài sản khi ra tòa. Anh nói vì đó hầu như do vợ kiếm ra, không phải của mình nên không muốn đòi hỏi gì nữa. Anh đồng ý ly hôn vì biết cuộc hôn nhân này cũng không đi đến đâu và nhận nuôi con gái út.

"Tôi vẫn còn nhớ dáng đi lom khom của anh. Trước khi nói lời tạm biệt và cám ơn tôi vì đã tư vấn giúp anh, anh chỉ nói, ước gì trước đây anh không nghỉ việc, có thu nhập riêng và không bị phụ thuộc vào vợ, thì có lẽ cuộc hôn nhân của anh sẽ không kết thúc thế này", luật sư Lực nói.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, trong trường hợp này người chồng quyết định nghỉ việc ở nhà quá lâu như vậy là không hợp lý. Có thể trong thời gian đầu khi vợ bận việc, anh có thể giúp chị việc chăm sóc con cái, nhưng nên bàn với vợ rõ ràng về việc anh sẽ quay lại đi làm, không nên kéo dài lâu như vậy, dễ hình thành tâm lý phụ thuộc hay bị vợ coi thường. Anh cũng cần có những mối quan hệ xã hội, bạn bè khác mà ở nhà không thể nào có được. Sau lần đổ vỡ này, anh Thành không nên lặp lại sai lầm như vậy, nếu không muốn tiếp tục bước vào lối mòn.

Theo chuyên gia Thu Hương, chị cũng từng gặp nhiều gia đình bất ổn khi vợ hoặc chồng không làm ra tiền. Khi không có tài chính, bị phụ thuộc vào người khác, rất dễ xảy ra mâu thuẫn.

Chị Nga (34 tuổi) và chồng, anh Nam, từng đi làm nhà nước nhưng sau đó quyết định nghỉ làm ra mở một cửa hàng vật liệu xây dựng. Thời gian đầu khó khăn, hai anh chị cùng nhau gây dựng, tìm nguồn hàng, đối tác tiêu thụ... Sau vài năm, công việc bắt đầu đi vào guồng, buôn bán thuận lợi hơn. 

Vốn năng động, giỏi ăn nói nên chị Nga tìm cách mở rộng hệ thống cửa hàng ra nhiều chi nhánh khác. Chị đi khắp nơi tìm nguồn hàng rẻ, giao dịch đối tác, việc đưa đón 2 đứa con đi học, cơm nước anh Nam đảm nhiệm. Dần dần, chị Nga phó mặc luôn mọi công việc cho chồng. Nghĩ vợ vất vả, nên anh cũng không ca thán gì, thời gian rảnh ra giúp vợ trông coi cửa hàng. Mỗi tháng, chị đưa cho anh tiền tiêu xài rất xông xênh, đủ để anh đi chơi với bạn bè. Anh cũng không nghĩ đến việc tìm kiếm một công việc vì quen sống phụ thuộc.

Nhưng khi việc buôn bán không thuận lợi, chị về nhà hay cáu gắt, dẫn tới lời qua tiếng lại. Anh Nam chia sẻ những câu như "anh biết gì mà nói; không được tích sự gì; suốt ngày ăn bám vợ", khiến anh cảm thấy tự ái... Anh đã quyết định lui về hậu phương chăm sóc con cái, nhưng nhiều lúc chị phủ sạch công sức, và cho rằng anh không làm được gì. Anh hiện sống ly thân với vợ và kiên quyết để hai con sống với mình.

Chuyên gia tâm lý Thu Hương kể, một trường hợp khác của đôi vợ chồng Việt ở nước ngoài cũng có cái kết khá buồn khi chồng nhiều năm chỉ ở nhà hưởng lương thất nghiệp. Lúc đầu, anh cũng đi làm nhưng sau đó xin nghỉ vì ôm mộng tạo lập một công ty riêng. Mọi sự không thành, anh chán nản ở nhà... Lâu dần thành quen, anh không muốn đi làm nữa... mọi chi phí dồn lên vai người vợ. Mâu thuẫn nảy sinh từ những thiếu thốn tài chính, tiền thuê nhà, tiền về nước... khiến anh chị dần xa nhau.

"Việc vợ hoặc chồng không đi làm, phụ thuộc hoàn toàn vào bạn đời... rất dễ xảy ra những mâu thuẫn trong cuộc sống nếu không biết chia sẻ, đồng cảm cho nhau. Khi hai người không cùng điểm nhìn, không cùng quan điểm, việc cãi vã, ly hôn là chuyện không tránh khỏi. Mỗi người nên có một công việc, chỗ đứng của mình, để không bị coi thường hay quá phụ thuộc người khác", chuyên gia Thu Hương nói.

Theo quy định tại khoản 1 điều 29 về Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng của Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: "1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập".

Về nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng điều 59 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định: 

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Mộc Miên

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top