Thời gian gần đây, bệnh “truyền thống”- tâm thần phân liệt, động kinh giảm nhưng gần đây, do vấn đề tâm lý, tác động xã hội, phần lớn là gia tăng các rối loạn cảm xúc ở trẻ nhỏ, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm, do căn nguyên tâm lý, rối loạn cơ thể… khi bệnh nhân phải nhập viện điều trị đều ở thể nặng.
TS.Nguyễn Hữu Chiến- Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I chia sẻ: Theo TS. Chiến, rối loạn cảm xúc lưỡng cực khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 0,5% dân số.
Đây là một bệnh tâm thần nội sinh xuất hiện có tính chất chu kỳ với các cơn hưng cảm và trầm cảm xen kẽ nhau. Giữa các "cơn" là giai đoạn bình phục; tâm thần trở lại gần như bình thường trong khoảng thời gian từ vài tháng đến nhiều năm. Nhưng càng về sau, tần số cơn càng tăng, khoảng thời gian ổn định càng ngắn lại, gây những hậu quả nặng nề cho bệnh nhân và gia đình... Bệnh tuy là nội sinh nhưng thường có thể xuất hiện sau các sang chấn tâm lý (thất tình, tang tóc, căng thẳng tâm lý hay vui quá...).
Người trẻ bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực ngày càng gia tăng (Ảnh minh họa). |
Theo TS.Nguyễn Hữu Chiến, công việc áp lực, học tập căng thẳng khiến những người trẻ rất dễ mắc hội chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Mỗi người nhập viện có một hoàn cảnh và những xung đột cảm xúc khác nhau. Những bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở trạng thái hưng cảm thường có biểu hiện hưng phấn thái quá, thích giao du, tham gia vào các công việc của người khác, trêu đùa trơ trẽn, chi tiêu rộng rãi hào phóng, mua sắm lu bù. Nhiều trường hợp họ cũng ăn mặc chải chuốt, màu sắc sặc sỡ, khêu gợi, ăn uống nhiều, gầy sút; ít ngủ, dậy sớm, gây huyên náo ầm ĩ; tình dục dễ dãi; gây gổ đánh lộn khi bị cản trở...
Mặc dù đã nghiên cứu trong nhiều năm nhưng thực tế, nguyên nhân đích thực của căn bệnh vẫn còn là ẩn số đối với các bác sĩ tâm thần. Hiện tại chỉ có các yếu tố gây tái phát bệnh hay gia tăng mức độ nguy hiểm của bệnh là đã được xác định rõ. Cụ thể đối với giới trẻ đó là do áp lực quá lớn trong quá trình học tập, làm việc; lạm dụng chất cồn, chất gây nghiện; do tiền sử bệnh tâm thần của gia đình...
TS.Chiến cho hay, trạng thái đầu tiên của bệnh là cảm giác buồn bã; đánh mất ý chí, nghị lực; thờ ơ với cuộc sống cũng như mất đi những thú vui hằng ngày; xuất hiện những ý nghĩ bi quan, đau khổ, tang tóc về cuộc sống và thế giới xung quanh; dằn vặt bản thân vì lỗi lầm trong quá khứ; tự cho mình là vô dụng dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát.
Các triệu chứng này thường gia tăng vào buổi sáng và giảm nhẹ vào buổi chiều. Cùng với sự tác động từ cảm xúc, cơ thể người bệnh cũng phát ra những dấu hiệu như: Chán ăn, mất ngủ, gầy sút; hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên; không chú ý đến việc vệ sinh cơ thể, ăn mặc lôi thôi hơn so với thói quen hằng ngày.
Còn với các bệnh nhân hưng cảm, trạng thái này có biểu hiện trái ngược hoàn toàn với trầm cảm. Mới đầu người bệnh sẽ ngủ ít dần đi, thậm chí là cảm thấy không cần phải ngủ. Khí sắc hưng phấn đột ngột như bị kích thích, vô cùng khoan khoái, học tập với khối lượng lớn bất thường mà không biết mệt mỏi. Đầu óc luôn tràn ngập những dự án và kế hoạch mới. Tính tình hào phóng, ăn tiêu hoang phí mà không cần biết hậu quả. Nói nhiều hơn bình thường, câu văn trở nên khác lạ, cường điệu hóa và phô trương hơn. Đôi khi có thể nói năng rất lộn xộn, có thói quen viết lung tung, không có nội dung rõ ràng.
“Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện kích động như la hét, giận dữ vô cớ, đánh người, xuất hiện triệu chứng ảo giác và hoang tưởng”, TS. Chiến cảnh báo.
N.Giang
Post a Comment