Kết quả khảo sát được báo cáo tại Hội nghị tiêm chủng toàn quốc tổ chức ngày 27/3 cho thấy, có trên 54% trẻ mắc bệnh chưa được tiêm chủng, 23% tiêm chưa đủ mũi. Đặc biệt có 4,3% các cháu đã tiêm chủng đủ 3 mũi nhưng vẫn mắc bệnh.

3 tháng đầu năm 2017, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 57 trẻ mắc ho gà, trong đó 5 trẻ đã tử vong. Số ca mắc và tử vong do ho gà đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và đa số các cháu chưa được tiêm chủng.

Lý giải về việc 4,3% các cháu mắc bệnh dù đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin, TS. Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế) cho rằng tiêm đủ 3 mũi có hiệu quả bảo vệ 90-95%, số còn lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia khuyến cáo, hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm theo thời gian vậy nên trẻ cần được tiêm nhắc khi 18 tháng tuổi.

TS. Trần Đắc Phu nhận định, những năm qua, nhờ làm tốt công tác tiêm chủng, số ca mắc ho gà, bạch hầu giảm rất nhiều nhưng không phải không có. Trong khi đó, những trường hợp mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ.

"Các bậc phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi, không nên trì hoãn việc tiêm phòng cho trẻ trong giai đoạn hiện nay. Để phòng bệnh ho gà, ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắc-xin trước khi mang thai để có kháng thể bảo vệ cho trẻ sơ sinh, giai đoạn chúng chưa đến tuổi tiêm ngừa", TS. Trần Đắc Phu tư vấn.


Cũng theo TS. Phu, với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắc-xin dịch vụ phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván để tạo miễn dịch cho cả 2 mẹ con. Vắc-xin này được tiêm cho người trong độ tuổi 6-64.

Theo nhà sản xuất, loại vắc-xin này có thể tiêm phòng cho thai phụ ở tuần thai thứ 20. Dù vậy, bộ Y tế đang giao cho cục Quản lý Dược, chương trình Tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể như trường hợp nào nên tiêm, vùng nào nên tiêm… Không nhất thiết thai phụ nào cũng cần phải tiêm.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top