PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng cho biết, hiện vẫn đang chờ báo cáo từ sở Y tế tỉnh Phú Thọ về trường hợp nói trên.
Được biết, sáng 16/3, gia đình đưa cháu Phùng Hà T. đến trạm y tế xã tiêm vắc-xin ngừa viêm não Nhật Bản mũi đầu tiên theo lịch trong giấy hẹn. Sau 30 phút, thấy không có biểu hiện gì bất thường nên gia đình đưa cháu về. Đến tối, cháu có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình dán miếng hạ sốt nhưng không đỡ. Sáng hôm sau, T. bất ngờ bị co giật, sùi bọt mép. Cháu được chuyển đến trạm y tế xã cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Theo thông tin PV báo Người Đưa Tin cập nhật, cùng tiêm với cháu T. còn có 50 cháu khác, tuy nhiên các cháu về chỉ sốt nhẹ.
Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của con sau khi tiêm vắc-xin. Ảnh minh họa. |
Sau khi xảy ra sự cố, Công an huyện Tân Sơn đã niêm phong lô vắc-xin nói trên và phối hợp cùng cơ quan pháp y để làm giám định nhưng gia đình không đồng ý vì xót con. Vì vậy, nguyên nhân tử vong của cháu T. chưa được làm rõ.
Trước vụ việc này, đại diện cục Y tế dự phòng cho hay, hiện không có vắc-xin nào an toàn 100%, tai biến trong tiêm chủng vẫn có với tỉ lệ rất nhỏ. Với vắc-xin dịch vụ như viêm màng não do não mô cầu, Pentaxin và Infarix hexa cũng có các ca phản ứng nặng sau tiêm.
Nguyên nhân có thể do cơ thể trẻ quá mẫn cảm với vắc-xin dẫn đến sốc phản vệ; trẻ có bệnh nền sẵn như tim bẩm sinh, viêm phổi... nhưng khi khám sàng lọc không phát hiện được.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế dự phòng, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:
1.Theo dõi sau tiêm
Sau khi tiêm, cần cho trẻ ngồi lại theo dõi 15-30 phút, xem có dị ứng với thuốc không.
Khi trẻ về nhà, cha mẹ lưu ý theo dõi nếu trẻ sốt, có biểu hiện ngoài da bất thường, quấy khóc, bỏ bú mẹ, đi ngoài. Đặc biệt với những trẻ tiêm lần đầu khi ở 2 tháng tuổi, tiêm mũi đầu tiên và tiêm vắc-xin 5 trong 1. Cha mẹ nên chườm mát nơi tiêm (không chườm nóng), cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, mặc đồ thoáng mát. Nếu trẻ sốt nhẹ 37-38oC, có thể dùng các biện pháp làm mát, hạ nhiệt, thuốc hạ sốt đặt hậu môn. Nếu sốt 38,5oC thì dùng thuốc hạ sốt sẽ có tác dụng nhanh hơn.
2.Khi nào không nên tiêm vắc-xin cho trẻ?
Tùy từng loại vắc-xin sẽ có chỉ định khác nhau. Chẳng hạn với vắc-xin phòng lao, những trẻ sinh non, cân nặng dưới 2,5 kg thì tạm thời lùi thời điểm tiêm. Vắc-xin được tiêm trong tháng đầu tiên đến 2 tháng tuổi. Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, thường biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, ho, sổ mũi, tiêu chảy... tuyệt đối không cho đi tiêm. Trẻ mắc bệnh liên quan đến dị ứng, miễn dịch cũng nên thận trọng.
3.Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Phản ứng sau tiêm có nhiều loại: Thường gặp, ít gặp, hiếm gặp và rất hiếm gặp. Đa phần các phản ứng sau tiêm đều xảy ra với các loại vắc-xin khác nhau. Phản ứng tại chỗ tiêm có thể là sưng, đau, khó chịu, mệt mỏi, sốt nhẹ. Thông thường, phản ứng gần như xảy ra ở các loại vắc-xin. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường sau tiêm, cha mẹ có thể liên hệ với nhân viên tư vấn hoặc cán bộ y tế xã để được tư vấn.
Sau tiêm, trẻ có thể sốt nhưng nếu bình thường sẽ chỉ sốt 1-2 ngày. Nếu trẻ sốt cao (hơn 39oC) hơn 2 ngày kèm các biểu hiện như co giật, chân tay lạnh, tím tái, khó thở, quấy khóc, bỏ bú, chỗ tiêm sưng to, đỏ... thì cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Vân An
Post a Comment