Tại tọa đàm: “Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp” do hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức sáng nay (23/3), BS. Nguyễn Trung Nguyên (trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: “Từ đầu năm 2017 đến này, đã có 34 bệnh nhân nhập viện Bạch Mai cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol. Trong đó, có 9 trường hợp tử vong, 5 ca tổn thương não rất nặng nề, 12 trường hợp bị giảm thị lực, có ca còn mất hoàn toàn thị lực. Điều đó cho thấy, sức khỏe của người tiêu dùng đang bị đe dọa”.
BS. Nguyên mạnh mẽ lên án: “Những bệnh nhân đang phải trả giá cho “tội ác” của người khác và họ không bị xử lý”. Theo BS, từ đầu năm đến nay, hầu hết bệnh nhân nhập viện theo “chùm ca” - nhiều người ngộ độ cùng lúc. Phần lớn nguyên nhân do lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác.
Tọa đàm "Ngộ độc rượu methanol - Thực trạng và giải pháp" sáng 23/3 tại Hà Nội. |
PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), thông tin thêm: “Nhiều trường hợp do uống rượu liên tục trong thời gian ngắn, chỉ từ 8-12 tiếng nhưng không ít trường hợp đáng tiếc lại do sử dụng sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Các nạn nhân phần lớn là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức, ham rẻ”.
Đặc biệt, theo Chủ tịch VBA, từ sau tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay, đã có 15 ca tử vong và hàng trăm ca cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu, trong đó có nhiều vụ ngộ độc tập thể như trường hợp xảy ra ở Phong Thổ (Lai Châu) hay các sinh viên ở Cầu Giấy (Hà Nội).
“Nguyên nhân của các vụ ngộ độc này đã được cơ quan chuyên môn xác định là do nạn nhân sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa methanol vượt quá ngưỡng cho phép, thậm chí có trường hợp methanol vượt ngưỡng đến hàng ngàn lần, dẫn đến tử vong”, TS. Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.
Tiếp lời BS. Nguyên, ông Nguyễn Phú Cường (Vụ trưởng vụ Khoa học và Công nghệ, bộ Công Thương) giải thích, bản thân methanol không được định nghĩa là rượu, vì vậy trong rượu có độc tố gây hại cần phải quản lý chặt bởi methanol Việt Nam vẫn chưa sản xuất được và phải nhập khẩu.
Cũng theo ông Cường: “Trong luật An toàn thực phẩm quy định kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện vì liên quan tới sức khoẻ con người. Rượu là hàng hoá Nhà nước không khuyến khích kinh doanh, chưa thấy lợi nhưng cái hại rất nhiều nên phải quản lý chặt".
“Ngay cả các doanh nghiệp đã được cấp phép vẫn phải kiểm định định kỳ tại các đơn vị kiểm định có chứng chỉ rõ ràng và được cấp phép”, ông Cường nhấn mạnh thêm.
“Trên thị trường, 1kg gạo có giá 12 ngàn đồng, mà nhiều tiểu thương chỉ bán 12 ngàn đồng/lít rượu thì lãi ở đâu?”, ông Cường đặt câu hỏi.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra những báo cáo về thực trạng ngộ độc methanol, các quy định pháp luật về ATTP và sản xuất kinh doanh rượu, giới thiệu, phân tích cơ chế và tác hại của methanol. Bên cạnh đó, đề xuất những giải pháp ngăn ngừa và khắc phục.
“Sản phẩm rượu bắt buộc phải gắn nhãn, tên sản phẩm, các thành phần trong đó buộc phải ghi rõ và dù có được cấp phép từ cấp bộ thì vẫn phải đăng ký với chính quyền địa phương. Trong khi hiện nay rượu truyền thống được đựng trong các ca, can, chai, lọ, thậm chí là trong… túi nilon nên rõ ràng những loại rượu này, dù chưa biết chất lượng thế nào nhưng đã vi phạm về quy cách đóng gói và cần phải quản lý chặt”, ông Cường nhấn mạnh.
N.Giang
Post a Comment