Ngày 16/3, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, 3 tháng cuối năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn quận 12, bệnh sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 678 ca, giảm 24.07% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng phường Tân Thới Nhất và Đông Hưng Thuận, số ca bệnh sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, từ 27/2 đến ngày 6/3, phường Hiệp Thành và phường Đông Hưng Thuận có 2 ca bệnh sốt xuất huyết tử vong. Một ca tử vong khác nghi có mối liên hệ với sốt xuất huyết và đang chờ xác minh.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.T.T.N. (36 tuổi, ngụ tố 47, khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12) tử vong ngày 27/2. Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 báo cáo, bệnh nhân bị sốt và tự mua thuốc uống. Bệnh nhân uống thuốc không khỏi, có biểu hiện tức ngực, mệt mỏi nên đến bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Hóc Môn khám và được chỉ định nhập viện vì sốt xuất huyết.
Với diễn tiến bệnh nặng, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Nhiệt Đới, TP.HCM. Các bác sĩ đã tích cực điều trị nhưng tình hình sức khỏe bệnh nhân trở nặng, người nhà yêu cầu được chuyển về nhà, bệnh nhân tử vong sau đó.
Lãnh đạo sở Y tế phối hợp cùng lãnh đạo quận 12 họp bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Lành Nguyễn |
Trường hợp thứ hai là bé L.T.N. (9 tháng tuổi, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM) bị sốt liên tục, được người nhà đưa vào nhập viện tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, theo dõi sốt xuất huyết nhũ nhi… và tử vong sau đó tại bệnh viện.
Trường hợp thứ ba là bé L.T.V. (1 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) nghi tử vong vì sốt xuất huyết. Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ xem bệnh nhi tử vong có phải đã nhiễm sốt xuất huyết hay không.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sáng ngày 16/3, đoàn thực địa thuộc sở Y tế cùng các ban ngành liên quan đã đi thực địa tại hai phường Đông Hưng Thuận và Hiệp Thành thuộc quận 12 để tìm mối liên hệ sốt xuất huyết. Qua khảo sát thực địa, chưa phát hiện ổ chứa lăng quăng… Cách tốt nhất là thực hiện truyền thông sức khỏe nhằm thay đổi hành vi phòng chống dịch bệnh từ người dân.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc sở Y tế TP.HCM khẳng định: "Công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết là chuyện không dễ. Nó liên quan đến chuyện vệ sinh môi trường sống chung của người dân chứ không phải ngày một ngày hai. Lâu nay, người dân vẫn chủ quan coi nhẹ sốt xuất huyết, không xem bệnh sốt xuất huyết là nguy hiểm. Khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết trở nặng nhập viện tuyến cuối thì đã là không bình thường nữa. Tôi cho rằng, địa phương đưa ra giải pháp thực hiện nhưng chưa triệt để. Cần xử lý nghiêm minh những vi phạm về vệ sinh môi trường. Đồng thời tăng cường công tác quản lý UBND cấp phường, quận để ngăn chặn phòng chống dịch bệnh".
Lành Nguyễn
Post a Comment