Món canh giải nhiệt mùa hè

Tại Nghệ An, cây lá lằng là cây mọc hoang ở vùng gò đồi phía Tây Bắc, tập trung nhiều ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn. Cây lá lằng thân gỗ cao chừng 3m - 4m, lá chia 5 đến 6 cánh giống như chân chim, nhưng có răng cưa ở mép, phiến lá mỏng màu xanh nhạt, gân lá nổi rõ màu nâu.

Chị Nguyễn Thị Thùy, người dân xóm 7, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Tại nơi đây, lá lằng mọc hoang rất nhiều ở trên triền núi, sườn đồi. Mọi người vào hái lá vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6. Nếu cần dùng ngay thì đem nấu tươi, còn đa số được rửa sạch phơi khô, rồi đem vò nát, lấy lá bỏ cuống, cho vào túi ni lông buộc kín cất giữ ăn dần”.

Lá lằng được phơi khô bày bán ở các chợ

Với cách bảo quản này, lá lằng có thể để được vài ba tháng. Sau đó, có thể dùng lá lằng khô nấu với nước, để nguội, dùng uống trong ngày như nước vối, nước chè.

“Người dân chúng tôi hay nấu lá lằng với tép khô, cá trích, tôm đồng… để thành món canh. Lá lằng có vị rất đặc trưng nên ai lần đầu tiên ăn sẽ thấy khó khăn, nhưng nếu ăn quen rồi lại thích vị đắng lạ của món canh dân dã này”, chị Thùy nói.

Theo kinh nghiệm dân gian, lá lằng công dụng để giải nhiệt, tiêu thực, tiêu viêm, yên bụng,… có tác dụng tốt đến sức khoẻ. “Chúng tôi rất thích món này, mùa hè làm một bát canh lá lằng thì mát không con gì bằng. Không biết chỗ nào chứ ở đây mọi người nghiện món này lắm”, chị Trần Thị Huệ, tiểu thương tại chợ xã Quỳnh Tân nói.

Lá lằng được người dân dùng nấu canh ăn hằng ngày (ảnh minh họa)

Được biết, vào thời điểm này lá lằng được bán khá nhiều tại các chợ xã, huyện Quỳnh Lưu với giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg lá tươi; 40.000 - 50.000 đồng/kg lá khô.

Theo chị Huệ cho biết, vì người khai thác theo cách hái tự nhiên là bẻ cành, nên lá lằng ngày càng khan hiếm, bên cạnh đó các vùng có loại lá này ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng.

“Một số người dân xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu... cũng bắt đầu đưa lá lằng về trồng trong vườn. Tuy nhiên diện tích còn ít, hơn nữa lá mọc tự nhiên vẫn ngon hơn lá thuần hóa, vì vậy giá bán đang có xu hướng tăng nhẹ”, chị Huệ nói.

Người dân bắt đầu đưa cây lá lằng về trồng tại vườn nhà (ảnh sưu tầm)

Vì có nhiều công dụng cho sức khỏe nên người dân đi chợ thường mua kèm lá lằng để sử dụng hàng ngày. Nhiều người còn cho rằng, lá lằng còn là vị thuốc có tác dụng bồi bổ cơ thể, điều trị các bệnh phụ khoa ở phụ nữ, đàn ông liệt dương, viêm tinh hoàn... nên tìm mua để làm quà cho bạn bè, người thân ở nước ngoài.

Lá lằng không phải là 'thần dược' chữa liệt dương

Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, Chủ tịch Hội Đông y Hoàng Văn Hảo khẳng định, lá lằng không được sử dụng để chữa bệnh liệt dương.

“Thông tin trên hoàn toàn sai sự thật. Lá lằng không hề có một công dụng nào để chữa bệnh liệt dương cho đàn ông hay phụ khoa cho phụ nữ. Trong các sách Đông y cũng không hề nói về tác dụng của lá này cho các bệnh trên”, Chủ tịch Hội Đông y Nghệ An Hoàng Văn Hảo nói.

Theo ông Hảo, lá lằng có tác dụng thanh nhiệt trong mùa nóng nên được người dân dùng nấu nước uống hằng ngày.

Lá lằng được các lương y khẳng định không dùng để chữa bệnh liệt dương

Lương y Phan Đình Hợi, Phó Chủ tịch Hội Đông y Nghệ An cũng khẳng định lá lằng không phải “thần dược” chữa liệt dương.

“Dân gian sử dụng lá lằng nấu canh cho mát thôi, chứ lá lằng không đưa vào làm thuốc, cũng không để chữa một loại bệnh nào cả. Tôi cũng chưa bao giờ nghe ai nói lá này để chữa bệnh liệt dương”, Lương y Hợi cho biết.

Lương y Hợi khuyến cáo thêm, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh liệt dương ở nam giới, tuy nhiên mọi người nên cần tìm hiểu kỹ càng trước khi sử dụng, đừng tin những lời đồn đoán vô căn cứ.

Anh Ngọc

Xem thêm video:

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top