Chị Bình (Gia Lâm, Hà Nội) cố giữ bình tĩnh để không ngã khuỵu hay hét to mà chỉ đánh tiếng ậm ừ để con trai biết mẹ đã về. Sau đó, chị kể chuyện này với mẹ chồng, nhờ bà ở nhà chú ý kỹ hơn các cháu, tránh để cậu anh ở một mình với em gái. Nhưng chị sốc hơn khi bà nói từng chứng kiến cảnh đó rất nhiều lần nhưng nghĩ chẳng có vấn đề gì nên không kể lại và cũng chẳng can ngăn.
"Lúc này, tôi xâu chuỗi lại thì mới nhận ra, gần đây con gái nhỏ hay tỏ ra sợ hãi, mẹ về là bám chặt, không cho anh đụng vào người, đêm hay khóc thét, có lần vùng kín còn sưng", chị Bình ân hận kể. Chị càng giận bản thân hơn sau khi dò hỏi con trai thì biết cháu đã học trò người lớn này từ các video trên mạng, có lẽ lưu từ những lần vợ chồng chị cùng xem.
"Ít nhất là người mẹ này đã nhấc điện thoại lên gọi cho chuyên gia để xin tư vấn cách giải quyết khi không biết nên làm gì. Thực tế, những câu chuyện con bị chính người thân - trẻ khác trong nhà xâm hại như thế này xảy ra rất nhiều nhưng người ta thường cố ỉm đi, giấu kín", thạc sĩ tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) chia sẻ.
Ảnh minh họa: Canstockphoto. |
Ông Chuẩn cho biết, đa số bố mẹ có con bị xâm hại đều "sốc" khi biết thủ phạm mà họ không bao giờ ngờ tới, nhưng với nhà tâm lý thì các trường hợp đó đều không có gì lạ. Thực tế, người lạ ít có cơ hội tiếp cận trẻ. "Yêu râu xanh" ít khi là người qua đường, hoàn toàn xa lạ mà chủ yếu là những người quen biết, thậm chí thân thiết, ở ngay cùng nhà.
Tất cả những điều này đều đã được cảnh báo, thậm chí thống kê cho thấy 93% thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em là người thân, quen nhưng bố mẹ vẫn sốc bởi họ không tìm hiểu thông tin, không lường được những cậu anh trai ngoan ngoãn, những người chú bện trẻ... lại có thể làm chuyện này.
Theo nhà tâm lý, nhiều người cho rằng "yêu râu xanh" phải là người xấu, bệnh hoạn, có đôi mắt hay hành vi thể hiện tà dâm. Thực tế không hẳn vậy. "Con quỷ" có thể ẩn nấp trong bất kỳ ai, kể cả những trẻ chưa thành niên tới các ông già tóc bạc.
"Thời đại ngày nay, do áp lực cuộc sống, nhiều phụ huynh quá bận rộn với công việc, ít có thời gian quan tâm và kiểm soát con. Trẻ lại tiếp cận quá dễ dàng với các đồ công nghệ - nơi chứa cả kho thông tin, hình ảnh kích thích trí tò mò và phần bản năng trong trẻ", chuyên gia lý giải về nhiều trường hợp trẻ em lại chính là thủ phạm xâm hại như con chị Bình.
Một đối tượng khác nhiều phụ huynh không ngờ tới chính là những người già đạo mạo, hiền lành. Thực tế tư vấn cho thấy, người xâm hại trẻ nếu không phải là người thân thì thường là những người trung niên và cao tuổi.
Trường hợp con gái anh Tùng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một điển hình. Vợ chồng anh Tùng có cô con gái hơn 3 tuổi trắng trẻo, xinh xắn. Bác hàng xóm đã về hưu hay sang nhà anh chơi và tỏ ra rất quý mến bé. Ông hay bế bé, thơm má và đọc truyện cho cháu nghe. Có lần, khi bận việc phải về muộn, anh Tùng còn gọi điện nhờ ông đón con từ lớp. Sau lần đó, người hàng xóm bảo với vợ chồng anh cứ yên tâm đi làm, để ông đưa đón giùm con cho.
Một thời gian sau, thấy con cứ khóc thét hay đẩy ra khi ông hàng xóm bế hay thơm má, anh Tùng cũng hơi lạ thì người hàng xóm giải thích rằng có lẽ do ông để râu làm bé đau.
"Thật khủng khiếp, một lần, tôi đi làm về sớm và đập vào mắt là cảnh tượng người đàn ông kia đang làm trò đồi bại với con mình. Ông ta vốn được mọi người xung quanh coi là hiền lành, tốt bụng nhất khu tập thể này", ông bố trẻ tâm sự.
Con gái anh sau đó được đưa đi trị liệu vì hoảng loạn, hay kêu khóc, trở nên ít nói hơn. Anh Tùng không chia sẻ lại việc đã xử trí thế nào với kẻ đã hại con mình.
"Người Việt quan niệm người già đồng nghĩa với mẫu mực. nhưng thực tế đâu phải vậy. Hơn nữa, không ít bố mẹ sai lầm khi luôn bắt con ôm, hôn người khác để thể hiện sự quý mến", nhà tâm lý phân tích.
Theo ông, một lý do nữa khiến nhiều phụ huynh bất ngờ khi phát hiện ra kẻ xâm hại con là do họ không thường xuyên chia sẻ, nói chuyện với trẻ. Có những em bé bị xâm hại nhiều lần, trong thời gian dài, vùng kín bị xây xước, tổn thương nhưng bố mẹ vẫn không hề biết. Trong khi, trẻ bị hại thường bộc lộ các xáo trộn tâm lý như lo sợ, cắn móng tay, khóc thét, hoảng loạn... và chỉ cần sống cùng, để ý một chút là biết.
Ông cho biết, tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục thực sự vô cùng phổ biến. Do văn hóa Việt Nam, những chuyện này thường bị giấu kín, các trường hợp được biết đến, gây xôn xao thời gian qua thực ra chỉ là một phần vô cùng nhỏ của tảng băng chìm. Phụ huynh có con là nạn nhân đa số không muốn lên tiếng vì nhiều lý do, trong đó có phần sợ ảnh hưởng tới tương lai của trẻ.
"Trông mặt mà bắt hình dong" là sai lầm hoàn toàn khi muốn nhận biết một người có thể trở thành thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em hay không. Trẻ quá nhỏ, dễ bị dụ dỗ và không có sức kháng cự nên chỉ có thể trông cậy vào sự bảo vệ của bố mẹ. Hãy dành thời gian cho con, trang bị cho trẻ những kỹ năng bảo vệ bản thân để giảm thiểu nguy cơ", ông Chuẩn bày tỏ.
Vương Linh
Post a Comment