Theo ghi nhận của PV, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã liên tục tiếp nhận các trẻ bị biến chứng nặng do ho gà nhập viện. Phần lớn trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều. Đáng lưu ý, nhiều trẻ mắc ho gà còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi) và trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc ho gà dễ bị biến chứng nặng.
Được biết, 3 tháng gần đây, số ca mắc ho gà vào viện có xu hướng tăng, trong đó có nhiều trẻ rất nhỏ. Riêng từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 39 ca ho gà, trong số trẻ nhập viện, một số rất nặng phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.
Trẻ bị biến chứng năng do ho gà tăng cao (Ảnh minh họa). |
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, trẻ nhỏ 1 - 3 tháng tuổi và các bé mới sinh không dễ dàng phát hiện bệnh và dễ gây biến chứng nặng. Vì vậy, các cha mẹ cần đưa bé đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng.
Vi khuẩn ho gà khi vào đường hô hấp sẽ bám vào các nhung mao của cơ quan này, sinh sản và giải phóng ra độc tố, làm tổn thương nhung mao, gây viêm và hoại tử. Khi đó, trẻ sẽ xuất hiện những cơn ho dữ dội, kéo dài và không tự kiềm chế được. Gọi là ho gà vì trẻ ho có tiếng rít như tiếng rít của con gà trống khi gần hết tiếng gáy.
Biểu hiện của bệnh ho gà:
Ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh (trẻ em và kể cả người lớn) khi chưa có miễn dịch chống lại bệnh. Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5 - 7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi thời kỳ ủ bệnh kéo dài 3 tuần.
Ho gà thường khởi phát bởi triệu chứng giống như cảm lạnh, có những cơn ho nhẹ, sau đó trẻ bắt đầu ho nhiều hơn và chảy nước mũi, sốt nhẹ. Sau 1- 2 tuần, bắt đầu ho nhiều hơn. Bệnh trở nên nặng hơn, gây ho nhiều, xuất hiện nhiều đờm dãi. Ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức.
Ở trẻ sơ sinh, ho rất ít xuất hiện hoặc thậm chí không ho nhưng có thể có hiện tượng ngừng thở tạm thời trong một thời gian ngắn. Đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh khi ho gà.
Khuyến cáo:
Để phòng bệnh ho gà, TS.Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần lưu ý:
1. Người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà (vắc-xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
3. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Vân An
Post a Comment