Theo ghi nhận của PV, khoa Tiêu hoá (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận nhiều trường hợp vào cấp cứu và điều trị do bị xơ gan, chảy máu thực quản do xơ gan gây ra. Nguyên nhân cốt lõi là do những bệnh nhân này là “đệ tử lưu linh”. Đa số bệnh nhân xơ gan nằm ở khoa đều có tiền sử nghiện rượu.

Theo BS. Hoàng Nam - Khoa Tiêu hoá, hầu như ngày nào khoa cũng có bệnh nhân chảy máu tiêu hoá do rượu trên nền bệnh nhân xơ gan. Tại khoa đang điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn T. (Gia Lâm, Hà Nội) do bị chảy máu tiêu hoá 7-8 lần, vào viện mà lúc nào cũng thèm rượu.

Cùng chung cảnh ngộ nhập rượu cấp cứu vì “đệ tử lưu linh”, bệnh nhân Đỗ Văn M. Nam Định vừa mới hồi tỉnh sau cơn sảng rượu. Ông M. có tiền sử uống rượu vài chục năm rồi và ngày nào cũng thích uống rượu. Vì uống nhiều, uống thường xuyên nên ông đã nghiện rượu.

Nhiều bệnh nhân bị xơ gan vì nghiện rượu. Ảnh minh họa.

Hiện tại, phòng cấp cứu tiêu hoá có khoảng chục bệnh nhân đang điều trị, trong đó có bệnh nhân sảng rượu, chảy máu tiêu hoá do rượu. Cá biệt, trường hợp anh Nguyễn Văn D. (quê ở Hoà Bình), bị xơ gan rất nặng. Anh D. bị xơ gan gây biến chứng chảy máu thực quản. Bệnh nhân nôn ra hàng lít máu tươi và đã phải nhập viện cấp cứu nhưng đến nay tiên lượng rất thấp.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ngày nào anh D. cũng uống rượu, có bữa sáng anh uống cả cốc rượu to như uống bia. Anh D. uống rượu từ năm 15 tuổi và có thời điểm uống hết cả 2 lít. Mặc dù đã bị xơ gan và bác sĩ khuyên bỏ rượu nhưng sau 3 lần cấp cứu vì xơ gan, chảy máu thực quản anh vẫn chứng nào tật ấy. Đến nay, bác sĩ cũng chỉ còn biết hồi sức cấp cứu, kéo dài sự sống thêm được ngày nào hay ngày đó.

Các bác sĩ Khoa Tiêu hóa cho hay, ngày càng đông bệnh nhân điều trị tại khoa là nạn nhân của rượu. Phần lớn bệnh nhân bị xơ gan, viêm tuỵ do rượu. Rượu tác động trực tiếp vào gan gây tổn thương tế bào gan, dẫn đến xơ hoá. Càng uống rượu càng dẫn đến teo tế bào gan và gan xơ. Khi bị xơ gan không thể nào điều trị phục hồi xơ được. Xơ gan kèm theo bệnh lý giãn vỡ tĩnh mạch thực quản do hậu quả xơ gan dễ dẫn đến chảy máu thực quản. Người bệnh nôn ra máu, thậm chí nôn ra cả chậu máu và đã có trường hợp tử vong.

Điều đáng ngại nhất, tỷ lệ người nhiễm viêm gan B và C ở nước ta lại cao nên khi uống rượu vào càng làm cho lá gan quá tải dẫn đến xơ gan.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, vì chất lượng cuộc sống cũng như bảo vệ sức khỏe của chính mình, trước hết mọi người cần bỏ thói quen uống rượu vô tội vạ, uống rượu không rõ nguồn gốc. Điển hình như vụ hàng chục học sinh ở Hà Nội nhập viện, “thập tử nhất sinh” vì rượu có chứa Methanol. Nếu không cai được rượu thì hệ lụy khôn lường, được đánh đổi bằng cả tính mạng.

PV

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top