Clip: Bác sĩ chia sẻ về những hiểm họa rình rập từ hội chứng sảng rượu

10 năm trở lại đây tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh xơ gan do uống rượu rượu lên tới 60%, trong đó 20 – 30% xơ gan do rượu có cả viêm gan B, tỉ lệ tử vong cũng khá cao. Đó là những thông tin chúng tôi được chia sẻ từ các bác sĩ khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai.

Trước những hiểm họa từ rượu gây ra với sức khỏe con người, chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Hoàng Nam – khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai cho biết:

Các bệnh nhân nhập viện liên quan tới rượu lần nào ra viện cũng được tư vấn kĩ về chế độ ăn uống, dinh dưỡng cũng như việc phải bỏ rượu và tái khám định kỳ. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân vẫn không từ bỏ được thói quen cũ là uống rượu với số lượng lớn trong ngày.

Đa số bệnh nhân đều quay lại bệnh viện nhiều lần để điều trị trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Khi tình trạng bệnh ổn định, trở về với gia đình họ lại tiếp tục uống rượu, đến khi xuất huyết tiêu hóa lại vào viện điều trị, không được uống rượu một thời gian họ xuất hiện hội chứng sảng rượu.

Bệnh nhân Ngô Duy Mùi (Vụ Bản, Nam Định) đang được các bác sĩ cố định tay chân tránh những ảnh hưởng của hội chứng sảng rượu

Biểu hiện sảng rượu là bệnh nhân lên cơn thèm rượu, họ bắt đầu có biểu hiện run chân tay, nói nhảm thậm chí họ ảo mộng với tất cả và có thể làm bất kì điều gì. Bởi lẽ, thần kinh của họ gắn với rượu, phụ thuộc rượu, không có rượu tay chân run không làm được gì, có rượu dù chỉ một lượng nhỏ họ cũng cảm thấy dễ chịu.

Trước đó, hàng ngày họ uống rượu có thể 500ml hoặc 1l nhưng ngày nào cũng được uống. Có những người đi đâu cũng chai rượu bên cạnh và uống rượu thay nước lọc.

Còn với bác sĩ Nguyễn Quát – khoa Tiêu hóa, bệnh viện Bạch Mai:

“Cách đây khoảng 2 năm tôi đã từng biết trường hợp bệnh nhân bị sảng rượu cầm dao chém vợ; hay có bệnh nhân bị sảng rượu, khi ảo giác mà nhảy từ tầng 5 xuống tầng 1, có người tử vong vì điều đó.

Chính vì thế, khi điều trị cho những bệnh nhân rơi vào tình trạng sảng rượu, các bác sĩ như chúng tôi phải rất can đảm. Có lúc cần tới 10 người, cả bảo vệ mới giữ được bệnh nhân và cố định chân tay vào thành giường để đảm bảo trước hết cho người bệnh.

Nên điều trị những bệnh nhân này chúng tôi rất can đảm, có lúc cần đến 10 người cả bảo vệ để giữ bệnh nhân mới cố định được vì có những bệnh nhân sảng rượu khi ảo giác lao 1 cái xuống từ tầng 5 xuống tầng 1 và có những bệnh nhân tử vong do vậy”, bác sĩ Quát nói.

Cũng theo bác sĩ Quát, với các trường hợp như trên, tiên lượng, khả năng phục hồi phụ thuộc vào chức năng gan. Có những bệnh nhân xơ gan quá thì khả năng khó còn bệnh nhân chức năng gan còn tốt thì có thể phục hồi nếu họ có thể bỏ được rượu.

Bác sĩ Quát cũng cho biết, những bệnh nhân nghiện rượu thường gia đình không có điều kiện kinh tế.

“Họ nghiện rượu như thế không chỉ khổ bản thân mà khổ vợ khổ con, khổ gia đình, khổ cả xã hội, mang theo trong đó rất nhiều gánh nặng, kinh tế gia đình cũng không phát triển được thậm chí suy kiệt theo rượu… nhưng bản thân người nghiện rượu lại không nhìn thấy hết, không biết sợ. Cái chết do rượu mang lại không phải chết ngay mà đó là cái chết từ từ.

Thêm vào đó, ở các vùng quê nấu rượu tràn lan không có đơn vị nào quản lý hay kiểm nghiệm. Chúng ta phải tuyên truyền cho họ hiểu được tác hại của rượu. Ngộ độc rượu chỉ là một phần nhưng bản thân nghiện rượu gây ảnh hưởng quá lớn đối với xã hội”, bác sĩ Quát cho hay.

Nguyễn Huệ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top