Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng gia tăng. Thế nhưng, ít ai quan tâm đến chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật khiến quá trình hồi phục kéo dài và kết quả của ca phẫu thuật chưa thực sự như mong muốn.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, BS.Trần Bảo Khánh - Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ (Bệnh viện Bảo Sơn) cho hay: "Vấn đề dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, có thể giúp ta phòng trị bệnh cũng như duy trì được một cuộc sống luôn luôn khỏe mạnh. Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng hợp lý sau khi phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp duy trì kết quả của ca phẫu thuật và giúp người làm đẹp hồi phục nhanh hơn".

Chế độ dinh dưỡng cho người sau phẫu thuật thẩm mỹ vô cùng quan trọng (Ảnh minh họa).

Theo BS. Khánh, phẫu thuật thẩm mỹ là một loại phẫu thuật nhưng so về tính chất, nó nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Phẫu thuật thẩm mỹ chủ yếu là chỉnh hình, cải thiện vẻ đẹp hình dáng bên ngoài, không ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể.

Vì vậy, chế độ dinh dưỡng chỉ đặc biệt hơn những người bình thường, không kiêng khem nhiều. Tuy không nghiêm trọng nhưng có vài lưu ý cho những người làm đẹp vì họ cũng vừa trải qua một thủ thuật hay phẫu thuật.

Dưới đây là những tư vấn về “thực phẩm vàng” cho người “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ:

Thông thường, bữa ăn nên được cân đối các chất bột, đạm, đường, chất béo, rau và trái cây. Những người phẫu thuật thẩm mỹ cũng cần thực hiện đúng quy tắc này. Tuy nhiên, với những trường hợp phẫu thuật, chất đạm là quan trọng nhất.

Trong thời gian hậu phẫu, cần bổ sung đạm có trong thịt của động vật (như thịt lợn, bò, cá…) để vết thương nhanh chóng hồi phục. Trong thực vật, chất đạm hiện diện trong các loại đậu, đặc biệt là đậu nành.

Lượng đạm cần thiết nên nạp mỗi ngày được tính như sau: cứ 1kg cân nặng, phải bổ sung 0,6-0,8g đạm. Với người cao tuổi và trẻ em, cứ 1kg cân nặng, phải bổ sung 1g chất này.

Trong thời gian hậu phẫu, khoáng chất và vitamin cũng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là kẽm. Chất này giúp hỗ trợ các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Kẽm có nhiều trong nghêu, sò và mầm của các loại đậu.

Bên cạnh đó, nên bổ sung vitamin A và vitamin C. Vitamin A có nhiều trong gan động vật, thịt, cá, trứng, sữa, rau màu đậm, cà-rốt, bí đỏ, rau đay, dền, mồng tơi… Vitamin C có nhiều trong rau và các loại trái cây, như: cam, bưởi, đu đủ, xoài, mãng cầu…

Đặc biệt, ăn rau không chỉ giúp bổ sung các loại vitamin mà còn giúp phòng ngừa táo bón, loại bỏ những chất độc hại ra khỏi cơ thể. Điều này giúp cơ thể tăng sức đề kháng và vết thương nhanh lành hơn.

Ngoài ra, cần bổ sung chất béo cho cơ thể bằng cách dùng dầu nành, dầu mè chế biến các món ăn hoặc ăn cá sông (như cá basa, cá hú, cá trắm, cá diêu hồng…).

Với những người không thể ăn uống được sau phẫu thuật, sữa tươi không đường, tách béo là sự lựa chọn thay thế phù hợp.

Nhiều người cho rằng không nên ăn thịt gà, xôi, nên tránh ăn các loại trái cây có màu vàng, nói “không” với hải sản… Những kiêng cữ này có đúng không?

Theo BS. Trần Bảo Khánh, nhiều người nghĩ rằng ăn những thực phẩm có màu vàng sẽ làm chảy nước mủ; khi ăn thực phẩm có độ dính, vết thương sẽ làm mủ; ăn thịt gà sẽ gây ngứa. Thật ra, điều này không đúng. Nhưng tại sao phải kiêng khem? Đó là những trường hợp cơ địa bị sẹo lồi, dễ dị ứng, cần kiêng khem trong ăn uống. Tuy nhiên, họ chỉ cần tránh những món gây dị ứng. Và với mỗi người, thức ăn gây dị ứng khác nhau.

Tuy nhiên, cũng cần hạn chế một số thực phẩm trong thời gian hậu phẫu. Những người mới phẫu thuật không nên ăn đậu phộng, lòng trắng trứng vì trong chúng có chứa chất đạm mà cơ thể không dung nạp được, dễ gây dị ứng. Ngoài ra, các loại hải sản như tôm, cua, cá ngừ… cũng có thể gây dị ứng, đặc biệt là nếu hải sản không tươi. Khi lựa chọn những món này, cần cân nhắc thật kỹ.

N.Giang

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top