Theo các bác sĩ chuyên khoa, nước ta khí hậu nhiệt đới nên những bệnh liên quan đến giun sán lưu hành khá phổ biến. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun sán là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn.

Với người lớn, số người mang loại ký sinh trùng cũng tương đối nhiều. Nguyên nhân là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thức ăn không được nấu chín. Giun sán thường gây thiếu máu do sử dụng các chất dinh dưỡng cho con người ăn vào, đồng thời làm rối loạn tiêu hóa và hấp thu.

Thiếu máu là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường. Điều đáng ngại, thiếu máu gây các hậu quả làm giảm phát triển trí tuệ, vận động, giảm phát triển thể lực, giảm sức đề kháng với bệnh nhiễm trùng, giảm khả năng làm việc và năng suất lao động.

Giun móc hút máu trẻ sẽ rất nguy hiểm (Ảnh minh họa).

Các bác sĩ chuyên khoa nhi cảnh báo, hiện nay một vấn đề sức khỏe mà các bậc cha mẹ có con nhỏ cần lưu ý đó là tình trạng thiếu máu do nhiễm giun (giun hút máu). Thông thường khi trẻ bắt đầu tập đi cũng là lúc trẻ có thể cho mọi thứ vào miệng khiến những ấu trùng giun dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu máu là do trẻ bị nhiễm giun, đặc biệt là giun móc.

Giai đoạn ở ruột, giun móc ký sinh tại tá tràng và bám vào niêm mạc ruột để hút máu nên tổn thương bệnh học chủ yếu ở tá tràng và hệ tạo máu. Giun móc hút khoảng 0,2 - 0,34ml máu/ngày nên tình trạng thiếu máu xảy ra từ từ trong thời gian dài, số lượng hồng câu giảm dần, nhạt màu và có kích thước nhỏ hơn bình thường.

Ngoài ra, giun móc còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu làm vết thương chỗ giun hút máu chảy máu kéo dài. Trong trường hợp thiếu máu không bù, bệnh nhân có thể trì trệ tâm thần, suy dinh dưỡng, suy kiệt sức khỏe và suy tim.

Giun móc ký sinh tại tá tràng và bám vào niêm mạc ruột để hút máu (Ảnh minh họa).

Theo TS.Pham Thị Thúy Hòa - Viện Dinh dưỡng ứng dụng Hà Nội, một trong những nguyên nhân trẻ thiếu máu là do nhiễm giun, đặc biệt là giun móc. “Một đầu giun sẽ móc vào mạch máu ở trong vi mạch của đường ruột và hút máu ra. Như vậy em bé có ăn bao nhiêu cũng bị giun chiếm dụng một phần chất dinh dưỡng mà đã được tinh chế ra là máu”, TS.Hòa nói.

Vì thế, theo vị chuyên gia này, giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng này là trẻ phải được tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Theo quy định, trẻ trên 2 tuổi mới tẩy giun, nhưng nếu trẻ mới 1 tuổi mà đã bị nhiễm giun vẫn có thể cho trẻ uống thuốc được. Thuốc uống phải theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cha mẹ phải tuân thủ đúng liều lượng thuốc cần uống.

“Nhiều mẹ thấy trẻ nhỏ, chỉ cho con uống 1/2 liều. Tuy nhiên, uống không đủ liều thì tác dụng dường như không có. Cần phải điều trị đúng liều và có sự tư vấn của bác sĩ”, TS.Hòa nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo, để không bị nhiễm ấu trùng giun, các bậc phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

- Giữ cho nhà cửa, ngoại cảnh và các vật bé tiếp xúc sạch sẽ. Cần phải dùng biện pháp ngăn chặn sự xâm nhập ấu trùng xuyên qua da như không đi chân đất… để hạn chế tiếp xúc với đất bằng da trần.

- Vệ sinh tay bé sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Khi thấy lòng bàn tay bé nhợt nhạt hơn những người xung quanh cần đưa ngay đi khám bác sĩ.

Vân An

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top