Ngày 20/3, các bác sĩ bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho biết, bệnh nhân Đỗ Hoàng Vân N. (63 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp), nhập viện vì ăn chậm tiêu, đầy bụng và không ngon miệng, sụt 2kg/tháng. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định nội soi, kết quả bệnh nhân bị ung thư dạ dày vị trí hang vị.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân tiếp tục được tiến hành làm các kỹ thuật cần thiết như chụp X-quang, sinh thiết qua nội soi, Ctsan, siêu âm qua nội soi dạ dày…
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư dạ dày vùng hang vị giai đoạn 3. Dự kiến cắt 2/3 dạ dày, nạo vét hạch triệt để bằng robot phẫu thuật.
Ê kíp bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật điều trị ung thư bằng robot tại bệnh viện Bình Dân. |
Thời gian phẫu thuật dự kiến khoảng 4 giờ đồng hồ. Phẫu thuật bằng robot cho phép bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch ung thư triệt để, tinh tế hơn và hạn chế mất máu, tổn thương các mô, hạn chế tối đa nguy cơ di căn, tái phát ung thư. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật bằng robot là hình ảnh 3D, độ phân giải rõ nét, độ phóng đại lên tới 12 lần, cho phép phẫu thuật chính xác trong những không gian chật hẹp. Đặc biệt, cánh tay robot với độ linh động vượt trội hơn rất nhiều so với cánh tay phẫu thuật viên cũng như dụng cụ nội soi thông thường.
Ngoài ra, phẫu thuật bằng robot sẽ hạn chế tổn thương mô, cân, cơ tối thiểu ít chảy máu, ít đau sau phẫu thuật, bảo tồn chức năng niệu, sinh dục, bóc tách tốt, lấy triệt để những tế bào ung thư di căn hạch, phục hồi nhanh và giảm nguy cơ biến chứng.
Bệnh nhân bị ung thư dạ dày được phẫu thuật bằng robot, ảnh chụp qua màn hình tại bệnh viện. Ảnh: Lành Nguyễn |
BS CKII Hoàng Vĩnh Chúc, trưởng kíp phẫu thuật, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, bệnh viện Bình Dân, cho biết: "Ung thư dạ dày là căn bệnh thường gặp nhất trong các ung thư ở đường tiêu hóa. Cách phòng ngừa ung thư dạ dày là: hạn chế ăn các thực phẩm chế biến bằng cách hun khói, các thực phẩm ướp nhiều muối như thực phẩm chế biến, các loại dưa, mắm... nên ăn nhiều rau, trái cây, ngừng hút thuốc lá."
Kiểm tra dạ dày qua nội soi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ ở những người có nguy cơ cao như tiền căn gia đình có người ung thư dạ dày, tiền căn nhiễm helicopacter pylori.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được cho nhịn ăn 2 - 3 ngày để ổn định niêm mạc dạ dày và chỗ khâu nối dạ dày. Trong khoảng thời gian đó, bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Sau đó, họ sẽ được cho uống sữa, súp, cháo loãng trong khoảng 5 ngày tiếp theo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên vận động sớm để ruột hoạt động trở lại, tránh dính ruột về sau, Nên hạn chế thức ăn dầu mỡ và ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Dự kiến sau mổ, bệnh nhân sẽ hồi phục tốt nhờ phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày bằng robot và có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước đó.
Lành Nguyễn
Post a Comment