Những ngày cuối năm, Giáo sư Cù Trọng Xoay vẫn mải mê viết kịch bản cho Táo quân 2017. Anh chia sẻ, mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng để hoàn thành mọi công việc, để có thể sớm về nhà sum họp đón Tết cùng gia đình.
Ngày còn thơ bé, Tết là một sự kiện đặc biệt với gia đình tôi. Người già, trẻ nhỏ nhắc đến Tết từ cả tháng trước với biết bao dự định. Đêm giao thừa, mọi người hân hoan, không khí ấm áp đến lạ thường.
Thế nhưng, không phải Tết nào trong ký ức cũng vui, cũng hân hoan như vậy. Có những đêm giao thừa buồn hiu hắt khi không đủ các thành viên trong gia đình. Năm thì mẹ phải trực đêm ở cơ quan, năm thì bố lo việc phường xã, năm thì anh lao động ở nước ngoài không về… Nhà có 4 người, vắng một người không khí giao thừa khác hẳn. Tiếng cười nói rôm rả, không khí ấm áp, sum vầy của các gia đình hàng xóm xung quanh khiến tôi chạnh lòng khủng khiếp.
Xa nhà năm 18 tuổi, Tết buồn đối với tôi là khi không được hối hả ra bến xe về quê như bao sinh viên khác. Ngày ấy, có những dịp tôi phải ở lại trường đến gần Tết mới được về. Cả ký túc xá vắng tanh. Hàng quán đóng cửa. Đồ ăn còn lại là mấy cái bánh chưng gói sớm nguội ngắt, thèm những bữa cơm nóng, những món ăn ngon của mẹ ở nhà. Mới vậy thôi đã buồn muốn khóc, nói gì tới việc không được về ăn Tết.
Lập gia đình riêng, tôi và anh trai bắt đầu đón Tết theo cách riêng của mình. Có năm chúng tôi đón giao thừa bên nội, có năm về ngoại, có năm bận công việc hoặc muốn nghỉ ngơi bằng chuyến du lịch xa, có năm lại bỏ thành phố để về quê thăm ông bà... Càng lớn lên, những người thân yêu càng nhiều, mà chẳng thể nào gom tất cả lại một chỗ để cùng đón giao thừa. Thành ra, niềm vui ấm áp của những cuộc sum vầy giờ như cái chăn ta đắp lúc bé, nay đắp lên một cơ thể đã lớn, phủ ấm chỗ này thì lại lạnh chỗ kia.
Tết buồn vì thiếu. Vì vậy mà khi nghe tiếng tivi rao rảo “Về nhà đón Tết, gia đình trên hết”, tôi lại đắn đo Tết này đi đâu.
Tôi bắt gặp gia đình mình trong những thước phim ngắn Tết xa nhà. Đó là tôi - cậu sinh viên phải ở lại làm thêm, lặng lẽ nhìn mọi người hối hả về quê. Đó là ông anh trai - người công nhân đi xuất khẩu lao động, nhớ nhà phát khóc vì không thể về quê ăn Tết với gia đình. Còn bố mẹ cũng na ná như người lái tàu, gánh trách nhiệm công việc lên hai vai. Nếu về quê ăn Tết, ai sẽ là người lèo lái con tàu đưa các hành khách về quê sum họp?
Tết nay chuẩn bị dễ hơn xưa, vài tiếng lượn quanh siêu thị là Tết đủ đầy. Thế nhưng cuộc sống hiện đại, những tấm áo mới hay món ăn ngon ngày Tết không còn hấp dẫn với số đông. Cuộc sống càng ngày càng kéo chúng ta ra xa, dù các phương tiện hiện đại luôn cho ta cảm giác gần nhau đến tức thở. Chỉ có sự sum vầy chẳng thể mua được hay khỏa lấp bằng vật chất, những cuộc gọi hàng giờ.
Điện thoại, facebook, mạng xã hội… chen chân, âm thầm thay thế ngày Tết đoàn viên. Nhiều bạn trẻ nghĩ “Tết là để đi”, chỉ cần gọi điện thoại mỗi ngày là bố mẹ ấm lòng rồi. Đôi khi chúng ta tự cho mình là con diều bay cao và vô tư nghĩ rằng bố mẹ vẫn sẽ cứ mãi đứng đó, giữ cho sợi dây căng vút, mà không biết rằng thời gian không còn nhiều. Đừng như cô gái trong đoạn phim, tay cầm cuốn hộ chiếu đầy thị thực các nước, nhưng nước mắt lại tuôn trào vì bố mẹ chẳng còn ở bên. Đừng để Tết buồn với bất cứ giá nào.
Giáo sư Cù Trọng Xoay
Post a Comment