Không có gì ngạc nhiên khi trẻ nhỏ thường xuyên phạm lỗi và “thử thách” sự dễ tính của bạn. Đó là cách chúng học được rằng hành vi nào được chấp nhận và ngược lại. Nhưng đôi khi, bạn khó có thể nhận biết được liệu hành vi của con có bình thường hay là chúng đang gặp vấn đề nghiêm trọng về thái độ ứng xử.
Để nhận biết được điều này, cha mẹ cần có hiểu biết nhất định về sự phát triển của trẻ theo từng nhóm tuổi. Điều bình thường với trẻ nhỏ tuổi chưa chắc đã là đúng với trẻ vị thành niên.
Dưới đây là một số dấu hiệu báo động con bạn có thể đang gặp rắc rối về hành vi ứng xử, theo verywell.
Trẻ nhỏ có thể khó kiểm soát cảm xúc, nhưng trẻ đã đi học cần có khả năng kiểm soát hành vi tốt hơn. Ảnh: pinterest. |
- Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc: Nếu con bạn không thể kiểm soát sự tức giận, bực bội hay thất vọng một cách phù hợp thì có nghĩa chúng đang có vấn đề về mặt kiểm soát cảm xúc. Với những trẻ dưới độ tuổi đi học, thỉnh thoảng bộc phát những hành động này là bình thường, nhưng với trẻ lớn hơn, chúng cần có khả năng kiểm soát hành vi tốt hơn.
- Khó khăn trong việc kiểm soát sự bốc đồng: Khả năng kiểm soát này sẽ phát triển theo thời gian một cách từ từ. Một đứa trẻ dưới độ tuổi đi học không thể kìm chế được những hành vi bạo lực hoặc một đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì không thể kìm chế được việc gào thét khi tức giận thì chúng đang gặp vấn đề nghiêm trọng về hành vi.
- Không tuân theo kỷ luật đề ra: Thường thì trẻ sẽ mắc lỗi nhiều lần nếu bạn không nghiêm khắc với con. Nhưng nếu trẻ vẫn tiếp tục phạm lỗi cho dù bạn áp dụng kỷ luật rất nghiêm thì bạn cần xem xét nghiêm túc về thái độ của con.
- Hành vi gây cản trở việc học: Con bạn có những biểu hiện gây rối trong khi học tập thì đó có thể là dấu hiệu của rối loạn hành vi. Chẳng hạn như con bạn bị phạt tại lớp, đánh nhau với bạn cùng lớp hoặc không thể theo kịp việc học đều là những dấu hiệu đáng chú ý.
- Hành vi cản trở việc giao tiếp xã hội: Đôi khi trẻ xích mích với bạn là điều bình thường, nhưng nếu điều này làm cản trở việc trẻ kết bạn thì lại là điều đáng lo ngại. Ngoài ra, trẻ cần biết cách cư xử đúng mực ở nơi công cộng, chỗ đông người như siêu thị.
-Tự làm đau bản thân hay nói về cái chết: Bất kỳ trẻ nào có hành động tự làm đau mình như đập đầu vào tường, lấy dao cắt vào tay… đều cần được chú ý và đưa đến gặp chuyên gia tâm lý.
- Hành vi về giới tính không phù hợp với lứa tuổi: Nếu bạn quan ngại về những hành vi của con đi quá giới hạn, hãy tự tìm hiểu về sự phát triển bình thường và bất thường về giới tính ở trẻ nhỏ.
Hành vi bình thường ở trẻ 4 – 5 tuổi
Trẻ trong giai đoạn này đang tìm kiếm tiếng nói riêng của mình, vì vậy, chúng sẽ cãi lại bố mẹ và học cách từ chối các yêu cầu của người khác. Thông thường, hoặc là chúng sẽ bắt đầu đòi tự làm việc gì đó một mình như người lớn hoặc sẽ nũng nịu bố mẹ để nhờ giúp đỡ.
Đôi khi, trẻ sẽ bộc lộ sự tức giận, gào thét hay khóc lóc nhưng chúng dần kiểm soát cảm xúc tốt hơn những trẻ nhỏ. Những hành động cáu giận ở độ tuổi này chỉ nên diễn ra trong thời gian ngắn và không nghiêm trọng. Chúng vẫn thể hiện sự hung hăng nhưng không đáng kể và chúng cần học cách thể hiện cảm xúc qua lời nói hơn là hành động bạo lực.
Phạt con ngồi yên một mình trong phòng là hình thức kỷ luật phù hợp với trẻ ở tuổi này, bởi chúng chỉ muốn được bạn chú ý. Bạn có thể lờ đi những hành vi không ngoan nhưng ở mức độ không nghiêm trọng của trẻ, chẳng hạn như khi chúng ăn vạ.
Hành vi bình thường ở trẻ 6 - 9 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ sẽ đảm đương nhiều trách nhiệm hơn, chúng muốn có nhiều tự do hơn. Trẻ vẫn cần sự hướng dẫn cẩn thận của cha mẹ để hoàn thành việc nhà, việc học và vệ sinh cá nhân. Trẻ ở độ tuổi này chưa có ý thức kỷ luật đầy đủ là điều hoàn toàn bình thường.
Bởi vì trẻ đang bước đầu học cách tự giải quyết vấn đề và khám phá các hoạt động mới, chúng sẽ gặp khó khăn, chẳng hạn như không hoàn thành được việc gì đó và thất bại. Do đó, chúng cần giúp đỡ để đối mặt với những cảm giác tiêu cực như buồn, lo lắng và việc thiếu kiểm soát lời nói cũng là bình thường.
Việc khen thưởng rất hiệu quả ở giai đoạn này. Hãy khen thưởng khi trẻ làm tốt việc gì và phạt khi trẻ phạm lỗi. Đồng thời, bạn nên cho trẻ cơ hội để thực hành việc đưa ra các quyết định cùng với sự hướng dẫn sát sao.
Hành vi bình thường ở trẻ 10 – 12 tuổi
Khi trẻ bước vào độ tuổi này, sự độc lập cá nhân thường được thể hiện qua thái độ của trẻ với cha mẹ. Chúng thường tỏ ra hơi đối đầu và bắt đầu tách dần ra khỏi cha mẹ. Điều này có thể chấp nhận được.
Chúng còn gặp khó khăn với các kỹ năng xã hội và có bất đồng với bạn bè. Đôi khi, trẻ có thể hành động một cách bột phát và vẫn cần sự chỉ dẫn của cha mẹ về việc suy nghĩ trước khi hành động hoặc nói. Chúng cũng chưa thể nhận ra hậu quả của những hành động của mình.
Trẻ cần sự quan tâm chú ý của cha mẹ để xây dựng sự tự tin trong những năm này. Bạn có thể dùng hình thức thưởng tiền để khuyến khích trẻ biết cư xử đúng mực.
Hành vi bình thường ở trẻ 13 tuổi trở lên
Trẻ ở giai đoạn này thường nghĩ rằng mình đã lớn nhưng thực tế chúng vẫn cần rất nhiều sự giúp đỡ để đưa ra những quyết định chính xác. Trẻ vị thành niên vẫn gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc và chưa thực sự hiểu mình là ai. Không có gì lạ khi chúng gặp gỡ những nhóm bạn khác nhau, thử một kiểu đầu tóc mới nổi loạn hay phong cách ăn mặc khác bởi chúng muốn khẳng định cái tôi của mình.
Trẻ nên có tính kỷ luật cao hơn như tự giác làm bài tập về nhà hoặc giúp đỡ việc nhà cho cha mẹ. Tâm trạng của trẻ có thể hơi thất thường và đôi khi công khai thách thức, phản kháng nhưng không quá nghiêm trọng. Điều này là bình thường trong giai đoạn “ẩm ương” này bởi trẻ muốn chứng tỏ bản thân với cha mẹ rằng mình có thể kiểm soát được cuộc sống cá nhân.
Bạn vẫn có thể áp dụng hình thức thưởng phạt bằng tiền. Giải quyết vấn đề cũng là một cách hiệu quả để xử lý những hành động không đúng mực của con. Những trẻ lớn tuổi có thể phản kháng lại những quy tắc của bạn nhưng cũng có rất nhiều hình thức kỷ luật thích hợp để bạn áp dụng.
Xử lý các vấn đề về hành vi cư xử ở trẻ trong các độ tuổi
Với những hành vi không quá nghiêm trọng ở trẻ, bạn chỉ cần thay đổi phương pháp kỷ luật một chút. Hãy xử sự một cách tích cực hơn. Chẳng hạn như, thay vì phạt trẻ do không làm bài tập thì hãy đưa ra phần thưởng để khuyến khích trẻ hoàn thành công việc.
Với những hành vi nghiêm trọng hơn, bạn cần sự tư vấn của các chuyên gia và bác sĩ tâm lý.
Hương Giang
Post a Comment