“Giăng bẫy” người nhà bệnh nhân
Theo phản ánh về tình trạng nữ điều dưỡng ở khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTW) Thái Nguyên móc nối với bác sĩ, giảng viên trường Đại học Y dược Thái Nguyên lừa bán thực phẩm chức năng (TPCN) nhưng lại nói là thuốc “đặc trị” được nhiều loại bệnh, PV báo Người đưa tin đã vào cuộc để tìm hiểu.
Liên hệ với chị N.T.N., ở Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên - người có những thông tin phản ánh về sự trên. Chị N. bức xúc: “Mới đầu thì tôi chỉ biết đó là một y tá tên Nhâm làm việc ở khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên (ĐKTƯ). Cô này tiếp cận với mình bảo có người nhà cũng bệnh giống như bố tôi mà không biết chữa ở đâu mấy năm nay không phải vào viện nên tôi với cô này mới nói chuyện với nhau”.
Chị N.T.N ở Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên phản ánh về sự việc (NVCC) |
Khi phóng viên đề cập đến việc sẽ tìm hiểu về nội dung mà chị phản ánh, công khai lên dư luận thì chị N. nói: “Em cứ yên tâm đây là chuyện người thật việc thật. Nếu cần đối chất với những người này tôi cũng sẵn sàng”.
Chị N. cho biết, bố chị bị bệnh hen co thắt. Sau một thời gian nằm điều trị ở viện nhưng sức khỏe của cụ ngày một yếu đi. Trong lúc gia đình đang mong muốn có biện pháp để chữa được bệnh cho cụ hiệu quả nhất thì nữ điều dưỡng kia đã tiếp cận để mời chào chị N. theo liệu trình chữa trị của những người này.
“Thế là như “chết đuối vớ được cọc”, mình liền tỉ tê nói chuyện, nhờ vả xin số điện thoại và địa chỉ của người có thuốc tốt kia. Ngày hôm sau, điều dưỡng này bảo đã xin được địa chỉ và đưa mình đến nhà bác sĩ đó để mua thuốc tây.
Vị bác sĩ đó tên Hùng hiện đang công tác tại Khoa các chuyên khoa của trường Đại học Y dược Thái Nguyên. Thế rồi, một liệu trình thuốc của bác sĩ này đã được bán cho bệnh nhân. Thuốc không có gì độc hại nhưng rất đắt tiền. Chiêu trò của chúng là lừa mọi người mất nhiều tiền”, chị N. kể lại sự việc.
Bác sĩ lừa anh chẳng mắc!
Theo như chị N., khi đến gặp Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, vị này có cho biết với tình trạng sức khỏe của bố chị thì sẽ phải sử dụng qua các liệu trình khác nhau.
Liệu trình đầu tiên là 5 triệu đồng tiền thuốc với khoảng 10 hộp thuốc. Sau đó, nếu chưa thấy bệnh thuyên giảm thì sẽ phải tăng lên liệu trình 8 triệu đồng. Tiếp nữa là một liệu trình 8 triệu nữa.
“Quả thật trong lúc có người nhà đang bệnh tật thì mình có lo nghĩ gì đến chuyện số tiền bỏ ra là như nào. Mong muốn lớn nhất là chữa được bệnh cho bố.
Hơn nữa lại là bác sĩ có học vị Tiến sĩ ở Nhật nói ai mà chẳng tin nên gia đình mình nghe theo liệu trình của người này. Tuy nhiên, mới sử dụng được 3 hộp thuốc thì bệnh của bố mình chẳng thấy thuyên giảm mà cụ còn qua đời”, chị N. đau buồn kể lại.
Thực phẩm chức năng mà bố chị N. đã sử dụng nhưng không hiệu quả. |
“Sau đó, vì bức xúc với những lời quảng cáo của vị Tiến sĩ kia nên mình đã tìm hiểu và biết được thuốc “đặc trị” như anh Hùng nói chỉ là thực phẩm chức năng.
Loại TPCN có tên Vision này được các tổ chức kinh doanh theo kiểu đa cấp họ vẫn sử dụng tràn lan ở Thái Nguyên và nhiều nơi khác. Chồng mình tiếp tục tìm hiểu thì nhận thấy khả năng cao những người này họ móc nối với nhau để bán TPCN theo kiểu “đa cấp”, móc túi người nhà bệnh nhân”, chị N. “tố”.
Tại buổi làm việc của PV với vai trò là người đến phản ánh sự việc, ông Nguyễn Huy Sơn – Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Đội ngũ y tá, điều dưỡng ở bệnh viện có khoảng 500 người. Nghề y nến sống bằng cái tâm, cái đức nhưng vẫn có những trường hợp cá biệt. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những trường hợp này nếu bắt được”.
Từ những thông tin mà chị N. cung cấp, PV đã có những xâm nhập thực tế để biết được chi tiết về hình thức hoạt động của những nhân viên bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cũng như của giảng viên trường Đại học Y dược Thái Nguyên.
(Còn tiếp)
Nguyên Mạnh - Đào Sơn
Post a Comment