Những căn bệnh nhiều người dễ mắc phải mùa mưa bão như nấm kẽ chân, viêm da, mẩn ngứa, tiêu chảy, đau mắt đỏ... hay đau nhức toàn thân vì ngấm nước mưa có thể được đẩy lùi bằng những bài thuốc đơn giản dưới đây:
Đau nhức mình mẩy
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, bạn có thể áp dụng những bài thuốc này để giảm tình trạng đau nhức do cơ thể ngấm nước mưa:
Bài 1: Rễ cây xấu hổ, rễ cúc tần, rễ bưởi bung, mỗi vị 20g sắc lên để uống.
Bài 2: Rễ cây đinh lăng và cam thảo dây, mỗi vị 10g, sắc lên uống.
Chữa nước ăn chân
"Nước ăn chân" là cách gọi dân gian để chỉ bệnh nấm da chân. Bệnh có các biểu hiện như: tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân. Ở các kẽ ngón, thường là ở các kẽ hẹp như kẽ của các ngón chân giữa, ngón chân áp út, lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới là một nền da đỏ ướt. Ở lòng bàn chân, gót chân, các cạnh ngoài của bàn chân có thể có mụn nước hoặc mảng da dày màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn, gây ngứa ngáy, khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.
Để chữa trị "nước ăn chân" trước tiên cần phải rửa thật sạch nơi bị bệnh bằng nước nước muối ấm, lau khô bằng khăn bông sạch, sau đó bôi thuốc chống nấm hoặc có thể dùng một số bài thuốc nam đơn giản sau:
Bài 1: Lấy 10 lá trầu không đun sôi với nửa lít nước, để nguội, cho một cục phèn chua to bằng đầu ngón tay cái, đánh tan. Dùng nước này rửa kỹ các kẽ ngón chân bị loét ngứa. Sau đó có thể kết hợp bôi thêm các loại thuốc mỡ sát khuẩn.
Bài 2: Dùng một cục phèn chua nhỏ ngâm với một ít nước cho tan ra rồi ngâm chân, sau đó lau khô. Phèn chua có tác dụng làm khô, chống ngứa và sát trùng.
Bài 3: Lá kim ngân 1 nắm, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa chân. Mỗi ngày làm từ 2-3 lần.
Bài 4: Rau sam tươi lấy phần cây trên mặt đất, khoảng 50-100g tươi, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm.
Bài 5: Lá chè xanh và lá phèn đen, mỗi thứ 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa chân trong 5-10 phút. Rồi lấy quả cà dại hoa trắng, lá lốt, mỗi thứ 20 g, giã nát, thêm ít nước, dùng bông thấm thuốc bôi vào những kẽ nứt nẻ.
Mỗi ngày làm một lần. Làm nhiều lần, chỗ loét khô se lại và hết ngứa.
Trị mẩn ngứa dị ứng
Thuốc uống: Lá đơn đỏ 20g, lá xấu hổ 20g, lá cối xay 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Hoặc kim ngân hoa 24g, hoa rau húng chó 12g, hoa kinh giới, sắc uống mỗi ngày 1 thang. - Hoặc vỏ núc nác 12g, đơn mặt quỷ 12g, thổ phục linh 12g, cỏ chỉ thiên 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
- Hoặc kim ngân hoa 12g, hoa khế tươi 30g, lá cối xay 12g, bạch chỉ nam 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Thuốc nấu nước tắm: Lá và hoa khế chua tươi lượng vừa đủ, nấu nước tắm ngâm. Hoặc lá han ngứa (loại lá nhỏ) 500g, nấu nước tắm ngâm.
Đau mắt đỏ
Bài 1: tang diệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g. Sắc uống thay trà. Có thể thêm đường cho dễ uống.
Bài 2: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g. Sắc uống.
Thuốc dùng ngoài:
Bài 1: lá dâu 1 nắm, lá trầu không 5 cái, hai thứ vò nát, cho vào ca, đổ nước sôi rồi đưa mắt bị đau sát miệng ca để xông hơi nóng bốc lên trong 3 phút, làm 2 lần trong ngày. Sau đó dùng nước này rửa mắt.
Bài 2: lá phù dung (tươi) 3 lá, thêm chút muối sạch. Giã nát, cho lên gạc đắp vào mắt, 1 - 2 ngày.
Bài 3: lá dâu 60g, mang tiêu 12g. Sắc lá dâu lấy nước, bỏ bã, hoà tan mang tiêu, gạn lấy nước trong rửa mắt khi còn ấm.
Hùng Lâm (Tổng hợp)
Post a Comment