Tò mò về những lời đồn của người dân nơi đây, chúng tôi đã tìm đến thôn Từ Châu (Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) để mong được diện kiến cụ lang Thời. Khi đến đây, chúng tôi thấy trong nhà đã rất đông bệnh nhân đang chờ được cụ chẩn đoán bệnh và bó thuốc.
Khi ngỏ ý muốn tìm hiểu về phương thuốc gia truyền này, thì cụ cười: “Bài thuốc này tôi cũng không biết có từ bao giờ. Chỉ nhớ rằng năm lên 8 tuổi, tôi đã theo cha đi hái thuốc, làm thuốc và chữa bệnh cho người dân rồi. Giờ đã 95 tuổi, truyền nghề lại cho con dâu và con trai. Tính thế gia đình tôi theo bài thuốc này đã được 5 đời rồi”.
Cụ lang Thời bảo, cũng có rất nhiều người thắc mắc về bài thuốc này nhưng nó là cả bí quyết gia truyền của gia đình. Nhưng trước sự tò mò của chúng tôi, cụ Thời tiết lộ: “Tất cả những bệnh nhân gãy xương, đau xương khớp, khi đến đây, đều phải xem qua phim chụp. Sau đó, sẽ được bó thuốc. Thuốc chính là gan cóc được chế biến với rất nhiều loại cây thảo dược khác".
Cụ lang Thời đang trò chuyện với bệnh nhân. |
CỤ cho biết: "Nhiều người cũng không tin đâu, nhưng đắp đến miếng thứ 3 thấy dễ chịu, thỏa mái, bắt đầu đi lại được thì mới gật đầu công nhận. Bó miếng cóc đầu tiên sẽ làm cho chỗ đau nóng lên, sau đó mình phải bó một miếng thuốc lá cho chỗ đau mát hơn bằng một vị thuốc khác. Bó gan cóc nóng nó mới tan được cục máu chứ, vết thương sưng thì phải bó gan cóc, thế mới hết sưng”.
Bà Yến (con dâu cụ Thời) cho biết, bà cũng học nghề thuốc của bố chồng mình từ khi về làm dâu. Ban đầu, cũng thấy rất khó khăn, bởi nhớ được tên các loại thảo dược với “chế biến” sao cho đủ liều lượng để tạo thành một phương thuốc đặc biệt là điều quan trọng.
“Ngày xưa, khi gia đình ít người làm, thì người nhà bệnh nhân cũng phải phụ giúp. Có nhiều trường hợp, gia đình không có điều kiện đến là chúng tôi chữa miễn phí cho họ. Bố chồng tôi đi đâu, cũng giắt miếng thuốc vào người để xem ai gặp hoạn nạn thì giúp đỡ. Giờ bố chồng tôi yếu, mới bị bệnh nên việc đắp thuốc, làm thuốc là do chúng tôi làm hết”, bà Yến kể.
Cũng theo bà Yến, khi bó thuốc gan cóc thì không phải kiêng ăn uống, cứ cái gì bổ nhất thì ăn nhưng tuyệt đối không được để dính hơi lạnh từ đám ma và tiếp xúc với người mới đi đám ma về. Khi bó thuốc phải tránh vận động, nằm chỗ mát mẻ, không được để mồ hôi ra chỗ đang bó thuốc.
Dừng câu chuyện với chúng tôi, bà Yến bắt đầu đi làm những việc thuốc để đắp cho một bệnh nhân từ Thường Tín sang.
Anh nguyễn Văn Anh (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị ngã từ trên nóc ô tô xuống, không may bị rạn xương ở cổ chân. Đi bệnh viện nhưng bó khó chịu quá. Tôi nghe nhiều người mách nên sang đây. Đắp được hai miếng thấy đi lại bình thường.
Hôm qua không may tôi bị trượt chân, vết thương lại đau. Tôi sang đây đắp thêm miếng thuốc nữa. Nói thật, bên Thường Tín nhiều người gãy chân, gãy tay, thoái hóa mà tìm đến đây lắm. Tìm hiểu nhiều nên tôi mới sang đây đấy”.
Bà Yến (con dâu cụ Thời) đang bó thuốc cho bệnh nhân |
Cũng giống như bệnh nhân tại Thường Tín, chị Oanh (Chương Mỹ, Hà Nội) bị gãy tay, nhưng trước đây không có tiền đi bệnh viện, cũng đắp thuốc của một số thầy lang. Hiện giờ trở trời lại tay chị lại đau nhức.
Chị sang đây, đắp đến miếng thuốc thứ ba và thấy vô cùng hiệu quả: “Cạnh nhà tôi có vài người bị thoái hóa đốt sống, đau nhức, không lầm ăn được gì. Nhưng khi đắp thuốc của cụ Thời thì lại thấy thỏa mái, dễ chịu, đi lại không còn bất tiện như trước nữa”, chị Oanh chia sẻ.
Với bài thuốc chữa xương khớp bằng gan cóc của gia đình cụ Thời đã cứu được nhiều người từ tay “tử thần”.
Trước khi ra về, cụ Thời nói với chúng tôi: “Cái nghề này không chỉ cần tài mà phải có cả tâm. Ai khổ thì mình giúp họ. Động viên để họ kiên trì chữa bệnh thôi”.
Mai Thu
Post a Comment